Bỉ nghiên cứu khử mặn nước biển bằng ánh nắng Mặt trời

Bỉ nghiên cứu khử mặn nước biển bằng ánh nắng Mặt trời

Khử muối nước biển rất tốn kém, tiêu tốn nhiều năng lượng và tạo ra chất thải độc hại. Trong khi đó, nhu cầu nước ngọt ngày càng tăng do dân số thế giới, mức tiêu thụ bình quân đầu người và tăng trưởng kinh tế tăng. Mặt khác, nguồn cung giảm do biến đổi khí hậu và ô nhiễm ngày càng tăng. 

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các nhà nghiên cứu Bỉ tại Công ty Hydrovolta và Mascara đang làm việc để giải quyết những vấn đề này. 

Tại Quiévrain, một đô thị ở tỉnh Hainaut của Bỉ, công ty Mascara đã phát triển một quy trình sản xuất, trong đó sử dụng quá trình thẩm thấu qua ánh nắng Mặt trời. Quy trình sản xuất truyền thống gây ô nhiễm khi yêu cầu bổ sung pin và cung cấp năng lượng liên tục trong khi nguồn quang điện luôn bị gián đoạn. Các giải pháp mới của công ty giúp sản xuất tới 500m3 nước ở những khu vực không có sẵn điện năng. 

Trong khuôn khổ dự án do Cơ quan phát triển Bỉ (Enabel) tài trợ, công nghệ do Mascara phát triển có thể khử mặn nước lợ dưới lòng đất ở một vùng biệt lập của Mozambique và cung cấp nước uống cho 6 ngôi làng với khoảng 7.200 người. 

Về phần mình, Công ty Hydrovolta, có trụ sở tại thành phố Louvain, đã phát triển một quy trình độc đáo kết hợp giữa công nghệ điện thẩm tách và siêu âm. Theo giải thích của công ty, điện thẩm tách có thể khử muối trong nước thông qua việc sử dụng điện trường và các màng chọn lọc. Công nghệ siêu âm (SonixED) giúp tối ưu hóa quá trình điện thẩm tách cũng như làm sạch màng lọc. Công nghệ áp suất thấp sáng tạo này cho phép tiêu thụ năng lượng và hóa chất thấp hơn, trong khi có tỷ lệ thu hồi nước cao hơn: thu 5 đến 7 lít nước ngọt từ 10 lít nước mặn. 

Trong tháng 9 tới, quy trình của Hydrovolta sẽ được thử nghiệm ở thành phố biển Nieuwpoort. Với công nghệ mới này, các công ty nước Aquaduin, Farys và De Watergroep hy vọng sẽ có thể mở một cơ sở khử mặn nước biển vào năm 2026.

Hương Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm