Thổ cẩm đã từng vắng thiếu trong những cuộc lễ hội của người miền núi chừng mươi, mười lăm năm trước. Nhưng hôm nay, bỗng rực rỡ xuất hiện trong cuộc hội làng của đồng bào Cơ-tu ở xã Lăng, huyện Tây Giang (Quảng Nam)...

Với người miền núi, thổ cẩm quý thường được cất giữ trong nhà. Khi có lễ hội quan trọng, họ mới mang ra “trưng diện”. Họ nâng niu bản sắc bằng lòng trân trọng với từng tấm khố, tấm váy thổ cẩm. Sau mỗi dịp lễ hội, thổ cẩm lại được giặt sạch, phơi khô rồi xếp ngay ngắn vào từng chiếc ché, tủ gỗ, đựng trong các ngăn của chiếc gùi x’năm... Người Cơ-tu giữ gìn thổ cẩm rất giỏi. Trải qua tháng năm rất dài nhưng nhiều chiếc xà lùng, tấm khố, khăn choàng... vẫn nguyên mùi thơm đặc trưng của từng sợi chỉ, sợi len.

Sắc thổ cẩm tràn ngập hội làng Aró. Thổ cẩm xúng xính trên váy áo các cô gái, các bà, các mẹ. Những chàng trai đóng khố thổ cẩm, khoe lưng trần rám nắng. Trẻ con cũng được bố mẹ chọn cho bộ thổ cẩm đẹp nhất. Bước vào gươl, những tấm choàng lớn bằng thổ cẩm được căng ra.

Mười lăm năm trước, đi ngang qua một lễ cúng mừng gươl mới của người Cơ-tu ở xã A Ting (huyện Đông Giang), chúng tôi cũng đã ghé chân vào lễ hội. Đồng bào đứng thành vòng tròn lớn, chuẩn bị đâm trâu, phía sau là mái gươl mới. “Khung hình” quá đẹp cho một hoạt động văn hóa truyền thống nhưng lại vô tình có một khoảng trống mênh mông để tiếc: chỉ lác đác vài cụ bà diện sắc phục truyền thống. Quần jeans, “áo hộp” tràn ngập sân gươl...

Vậy nên, hội làng Aró như một chỉ dấu cho thấy những nỗ lực bảo tồn, ít nhiều đã tác động đến những đối tượng quan trọng và cần tác động nhất: người trẻ. Những bạn trẻ người Cơ-tu nay không còn ngại ngùng khi phải mặc đồ truyền thống mà thay vào đó là niềm tự hào. Những bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội từ các cô gái, chàng trai Cơ-tu trong ngày hội như một tín hiệu gửi đi từ niềm yêu với văn hóa dân tộc mình.


Ông Hồ Xuân Tịnh - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, người có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa các tộc người miền núi ở Quảng Nam chia sẻ, việc trang phục thổ cẩm xuất hiện ở lễ hội, kể cả trong các tiết mục sân khấu hóa không chỉ là để biểu diễn. Nó cho thấy cộng đồng đã có sự chú ý, tiếp nhận các giá trị văn hóa truyền thống. Khi ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống được nâng lên, sự tham gia của lớp trẻ sẽ ngày càng nhiều, trang phục truyền thống càng có cơ hội tiếp cận với số đông. Niềm tự hào bản sắc sẽ bền bỉ đưa vốn liếng vô giá của người ở đại ngàn Trường Sơn đi qua lớp lớp thế hệ, lớp lớp cuộc đời.
Khánh Nguyên