Gìn giữ và phát triển nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh ở xã Lâm Sơn

Gìn giữ và phát triển nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh ở xã Lâm Sơn

Làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh thuộc xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã cho ra đời nhiều sản phẩm đồ mỹ nghệ thủ công, đá cảnh đẹp, ấn tượng, từng bước khẳng định thương hiệu góp phần phát triển bền vững kinh tế địa phương.

Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động làng nghề Lâm Sơn đang dần ổn định trở lại. Các nghệ nhân, thợ lành nghề của làng miệt mài lao động sáng tạo thổi hồn vào những thân gỗ, khối đá sản xuất ra sản phẩm nghệ thuật độc đáo, sống động đáp ứng nhu cầu thị trường.

Gìn giữ và phát triển nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh ở xã Lâm Sơn ảnh 1 Cơ sở sản xuất của anh Đoàn Xuân Thành tại xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình). Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Nghề chế tác sản xuất gỗ lũa, đá cảnh hình thành tại đây đã 30 năm. Từ một vài hộ ban đầu, theo thời gian đã thêm nhiều gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh, chế tác gỗ lũa, đá cảnh. Mẫu mã, quy mô sản xuất được đầu tư mở rộng. Sản phẩm ngày càng đa dạng, chất lượng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu trang trí, hưởng thụ của người dân xa gần.

Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn Lê Xuân Cường cho biết, làng nghề đã khẳng định được thương hiệu trong và ngoài tỉnh; đổi mới nhiều mẫu mã sản phẩm để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Quy mô cơ sở sản xuất ngày càng mở rộng và chất lượng đảm bảo. Nhiều nghệ nhân đã chế tác ra những tác phẩm có giá trị cao về thẩm mỹ, đáp ứng yêu cầu khách hàng, tạo dựng thương hiệu cho làng nghề.

Gìn giữ và phát triển nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh ở xã Lâm Sơn ảnh 2 Anh Đoàn Xuân Thành, Trưởng làng nghề gỗ lũa, đá cảnh Lâm Sơn (xóm Đoàn Kết) trao đổi kinh nghiệm với những nghệ nhân khác. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc giữ gìn, tìm hướng khắc phục khó khăn để phát triển làng nghề; từng bước tìm hướng đi cho các sản phẩm mỹ nghệ chất lượng cao. Việc duy trì hoạt động của làng nghề đã và đang góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, tạo việc làm ổn định tại chỗ cho nhiều lao động thu nhập ở mức 300.000 - 800.000 đồng/ngày công tùy vào tay nghề - ông Cường chia sẻ.

Tại cơ sở sản xuất của anh Đoàn Xuân Thành - Trưởng làng nghề gỗ lũa, đá cảnh Lâm Sơn (xóm Đoàn Kết) có 3 thợ lành nghề trực tiếp tham gia sản xuất hàng mỹ nghệ gỗ lũa như bàn ghế, linh vật... đã cung cấp ra thị trường hàng trăm sản phẩm; trong đó, nhiều sản phẩm quý được chế tác từ các loại gỗ quý hiếm, có giá trị nghệ thuật cao như Long Châu, Ngũ Phúc, 12 con giáp – Xuân Hạ Thu Đông…

Anh Đoàn Xuân Thành cho biết, trước đây xã Lâm Sơn có nhiều điều kiện để phát triển vì sở hữu nguồn nguyên liệu là những gốc cây quý, đá cảnh quý tự nhiên tại địa phương. Sau này đã thành nghề, thành làng gỗ lũa, người dân tìm kiếm gỗ, đá ở các địa phương khác về để gia công, chế tác.

Những năm gần đây, nhất là khi được công nhận là làng nghề, các mặt hàng mỹ nghệ gỗ lũa như bàn ghế, linh vật đã cung cấp ra thị trường hàng trăm sản phẩm; trong đó có nhiều sản phẩm quý được chế tác từ các loại gỗ quý hiếm, giá trị nghệ thuật cao như Long Chầu, Ngũ Phúc, Tam Bảo… Có những tác phẩm điêu khắc kỳ công như “12 con giáp – Xuân Hạ Thu Đông” thì thường có giá bán vào khoảng 70 – 80 triệu đồng.

Gìn giữ và phát triển nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh ở xã Lâm Sơn ảnh 3 Một sản phẩm gỗ mỹ nghệ được chế tác từ gỗ lũa của làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh thuộc xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Ngoài cơ sở của anh Đoàn Xuân Thành, nhiều nơi sản xuất gỗ lũa, đá cảnh có quy mô khá lớn như Gỗ lũa Luận – Hoài, hay nơi chế tác đá cảnh của ông Lê Huy Sơn, Trần Xuân Thể, Trần Duy Minh… Các cơ sở này đang từng bước đưa làng nghề phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa có tính liên kết và giá trị gia tăng cao.

Phần lớn các sản phẩm làm từ gỗ lũa đều đẽo thành các bức tượng, phù điêu như Thần tài di lặc, Đạt ma sư tổ, các linh vật, động vật, cây cối... Nhiều sản phẩm của làng nghề đã đáp ứng được thị hiếu của thị trường và khách hàng trong nước.

Anh Lê Hữu Chung một chủ thầu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đang giao dịch tại cơ sở anh Đoàn Xuân Thành cho biết, sản phẩm nơi đây được chế tác từ một gốc lũa lớn nên đòi hỏi sự sáng tạo, khéo léo của người thợ. Qua bàn tay của các nghệ nhân, những sản phẩm hoàn thiện, anh Chung từng mua được gia đình, anh em bạn bè đánh giá rất cao về độ thẩm mỹ cũng như trình độ của nghệ nhân làng nghề Lâm Sơn.

Từ năm 2017, UBND tỉnh Hòa Bình công nhận Lâm Sơn là làng sản xuất gỗ lũa, chế tác đá cảnh. Hiện làng nghề có 53 hộ, chủ yếu ở xóm Đoàn Kết tham gia nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh, số thợ lành nghề cũng tăng lên đến hơn 100 người.

Gìn giữ và phát triển nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh ở xã Lâm Sơn ảnh 4 Anh Đoàn Xuân Thành chế tác một sản phẩm đặt hàng của khách từ khối gỗ Gù hương. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Sản phẩm của làng nghề gỗ lũa, đá cảnh Lâm Sơn thường xuyên tham gia hội chợ ở các tỉnh khu vực phía Bắc và một số tỉnh phía Nam, ngày càng khẳng định được uy tín, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường. Phát triển nghề gỗ lũa, đá cảnh là hướng đi riêng và đúng đắn của Lâm Sơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm ổn định cho lao động và phát triển kinh tế địa phương.

Lưu Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm