Giải quyết dự án “đội vốn” bằng đột phá trong giải phóng mặt bằng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Giải quyết dự án “đội vốn” bằng đột phá trong giải phóng mặt bằng tại Thành phố Hồ Chí Minh
Hàng loạt dự án “đội vốn”
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2016, thành phố đã triển khai hàng loạt công trình nhằm giải quyết ùn tắc giao thông như cầu Bình Triệu, Phú Mỹ, Sài Gòn 2, đường Phạm Văn Đồng…; trong đó, có 14 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng mức đầu tư 50.000 tỷ đồng. Hiện thành phố đang triển khai và kêu gọi đầu tư  42 dự án với tổng mức đầu tư là hơn 220.000 tỷ đồng.
Dự án nút giao Mỹ Thủy hoàn thành giai đoạn 1 đã giúp giải quyết tình trạng xung đột giao thông khu vực ra vào Cảng Cát Lái. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Dự án nút giao Mỹ Thủy hoàn thành giai đoạn 1 đã giúp giải quyết tình trạng xung đột giao thông khu vực ra vào Cảng Cát Lái. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
   
Đáng chú ý, có nhiều dự án mặc dù đã hoàn thành hoặc đang triển khai nhưng phải điều chỉnh mức đầu tư như dự án Cầu Sài Gòn 2 (tổng mức đầu tư sau khi hoàn thành là 1.495 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư ban đầu là 1.000 tỷ đồng).

Dự án nút giao Mỹ Thủy (giai đoạn 1, hoàn thành trong tháng 7/2018 có tổng mức đầu tư 837,9 tỷ đồng, trong khi lập dự án trước đó là 781 tỷ đồng).
   
Hay, dự án hầm chui nút giao thông An Sương lập dự án ban đầu là 459 tỷ đồng, nhưng khi thực hiện đầu tư là 514 tỷ đồng, hiện vẫn đang thi công nhánh N2 (bị chậm tiến độ do chưa hoàn thiện áp giá đền bù giải phóng mặt bằng).

Cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (3 nhánh cầu theo dạng chữ N) lập dự án là 441 tỷ đồng, khi triển khai là 504 tỷ đồng…
   
Điển hình nhất phải kể đến 2 tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Hai dự án có vốn điều chỉnh trên 50.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là do cập nhật, tính toán và xác định lại tổng mức đầu tư.

Cụ thể, tuyến metro số 1 đã thi công được khối lượng trong tổng thể toàn dự án đạt 56%, dự kiến năm 2020 đưa vào vận hành. Trong quá trình thực hiện dự án đã tăng vốn đầu tư 17.388 tỷ đồng khi phê duyệt lần đầu vào năm 2007 lên 47.325 tỷ đồng.
  
Hiện nay, dự án vẫn đang trong quá trình được xem xét phê duyệt theo đúng quy định về đầu tư. Riêng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được phê duyệt từ năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng nhưng sau đó được điều chỉnh lên gần 48.000 tỷ đồng. Nguyên nhân bị “đội” vốn, chủ yếu do thời gian chuẩn bị kéo dài, chậm trễ trong quá trình triển khai, tăng khối lượng xây dựng, trượt giá…
 
Theo Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ xem xét về điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 và số 2.

Đối với tuyến metro số 1, hiện nay giá trị cho vay lại chưa được xác định nên đề xuất giao Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chuyên môn thẩm định giá trị vay lại, do UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất làm cơ sở Bộ Tài chính trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Đối với metro số 2, hiện Ban Quản lý Đường sắt Đô thị đang phối hợp với Ngân hàng ADB để cập nhật lại kế hoạch tái định cư, cập nhật theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Không chỉ các dự án đã triển khai đội vốn, nhiều dự án mới đang ở trong giai đoạn được xây dựng đề án cũng liên tục phải điều chỉnh dự toán. Chẳng hạn như dự án nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến đường số 990 – đường vào cảng Phú Hữu) cũng đã được thành phố phê duyệt đề xuất.

Công trình này khi lập dự án là 550 tỷ đồng, sau đó dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2018 với tổng mức đầu tư khoảng 737 tỷ đồng.

Vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã duyệt đề xuất đầu tư dự án này theo hình thức BT, với tổng mức đầu tư 930 tỷ đồng; trong đó, cho phí giải phóng mặt bằng lên tới 700 tỷ đồng.
 
Từ thực tiễn tư vấn giám sát các dự án, ông Đinh Viết Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Giám sát chất lượng công trình Thăng Long cho biết, thời gian thực hiện dự án thường bị kéo dài, dự án bị chậm tiến độ do vướng mắc về mặt bằng, đôi khi phải điều chỉnh nhiều lần như dự án 10 cầu trên Tỉnh lộ 9, nút giao thông Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cầu Nam Lý, đường Vành đai phía Đông…

Sự chậm tiến độ, gián đoạn thi công làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Vì thế cần đẩy mạnh việc giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công để thực hiện dự án đúng tiến độ.
  
Tháo gỡ “điểm nghẽn”
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn vốn ngân sách thành phố phân bổ hiện nay để đầu tư hạ tầng giao thông vẫn còn thấp (khoảng 35%) so với nhu cầu thực tế. Chi phí cho giải phóng mặt bằng rất lớn (chiếm tỷ trọng trên 50% tổng mức đầu tư) và mất rất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công (thời gian từ 14 - 18 tháng, thậm chí có dự án kéo dài từ 2 - 3 năm).
   
Ngoài ra, trong điều kiện mặt bằng thuận lợi, một số dự án chưa thể triển khai ngay các thủ tục đầu tư để khởi công, hoàn thành công trình vì phải chờ đợi được bố trí vốn khởi công mới theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.
   
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến triển khai 172 dự án với tổng kinh phí gần 324.000 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2016 – 2018 có nhu cầu vốn là hơn 177.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến nay, nguồn lực đã đầu tư mới trên 46.000 tỷ đồng (đạt 26,3%). Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, thành phố sẽ tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện hoàn thành 74 dự án cấp bách trong giai đoạn 2018 - 2020 với tổng số vốn hơn 73.000 tỷ đồng.
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế B.R, điều chỉnh vốn so với kế hoạch vốn đầu tư công dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Một trong những chi phí xác định phức tạp và khó khăn nhất ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư và tính khả thi dự án là chi phí giải phóng mặt bằng; trong đó vấn đề pháp lý đất đai và giá đền bù ảnh hưởng nhiều nhất.
   
Ông Nguyễn Hoàng Vũ cho rằng, cần có sự hỗ trợ của Phòng Tài nguyên môi trường, Quản lý đô thị, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng các quận huyện ngay trong bước đề xuất chủ trương đầu tư công để cung cấp pháp lý đất trên nền bản đồ địa chính; cung cấp giá đền bù các công trình lân cận trên địa bàn, từ đó xác định chi phí giải phóng mặt bằng phù hợp thực tế.
  
Trước thực trạng trên, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đang giao cho các sở ngành tham mưu nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc biệt nhằm rút ngắn thời gian các khâu trong bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2018-2020, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép thực hiện một số các cơ chế đặc thù trong lĩnh vực này. Đặc biệt, cần Ban hành quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP, rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư.
 
Cùng với đó Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng kế hoạch thành lập Tổ công tác liên ngành trong việc xây dựng cơ chế đột phá trong giải phóng mặt bằng các công trình giao thông; trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh quy trình thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; chuẩn hóa đội ngũ thực hiện giải phóng mặt bằng tại các quận, huyện; tháo gỡ kịp thời các kiến nghị, đề xuất liên quan đến đẩy nhanh tiến độ bồi thường. 

Đặc biệt, thành phố sẽ rà soát, đề xuất, bổ sung cơ chế đặc biệt nhằm rút ngắn thời gian các khâu trong bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 74 dự án cấp bách, thực hiện giai đoạn 2018-2020./.
 Tiến Lực
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm