Giải pháp an toàn cho nghề nuôi cá lồng trong mùa mưa bão

Khu vực nuôi cá lồng của hộ gia đình. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN
Khu vực nuôi cá lồng của hộ gia đình. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN

Tận dụng lợi thế có dòng sông Hồng và sông Ninh Cơ chảy qua, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã phát triển nghề nuôi cá lồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại do mưa bão từ các năm trước, người nuôi cá lồng đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng cá.

Giải pháp an toàn cho nghề nuôi cá lồng trong mùa mưa bão ảnh 1 Khu vực nuôi cá lồng của hộ gia đình. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN

Ngay từ đầu tháng 7, khi mùa mưa bão bắt đầu đến, ông Nguyễn Văn Tung, trú tại xóm 1, xã Xuân Châu đã đầu tư thêm thùng phao nổi; hàn lại các cột trụ bao quanh các lồng nuôi; mua lưới chắn xung quanh các lồng cá; chuẩn bị dây thừng, dây cáp, buộc lại toàn bộ hệ thống lồng cá trên sông cố định chặt với bờ để lồng không bị trôi, vỡ khi nước xảy xiết...

Ông Tung cho biết, nhận thấy dòng sông Hồng chảy qua địa bàn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi cá lồng, năm 2014, sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật nuôi gia đình ông đã đầu tư hơn 20 lồng nuôi các loại cá lăng, cá chép giòn, cá diêu hồng. Nghề nuôi cá trên sông đang thuận lợi, mang lại nguồn thu chính cho gia đình ông. Tuy nhiên, cuối tháng 7/2016, một cơn bão đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Nam Định đã cuốn đi toàn bộ lồng cá của gia đình, thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.

Cơn bão đi qua để lại cho ông Tung nhiều bài học kinh nghiệm về vị trí đặt các lồng cá cũng như cách xây dựng hệ thống lồng cá vững chãi để có thể chống lại sóng gió, nước dâng cao mỗi khi bão vào. Ông Tung đầu tư làm lại 26 lồng nuôi cá, kích thước mỗi lồng 36 m2 được hàn gắn cẩn thận bằng các tuýp sắt; trên bờ ông Tung đổ cọc bê tông để buộc dây cố định các lồng cá nhằm giữ ổn định vị trí lồng khi nước lên hoặc xuống.

Lợi thế của nuôi cá lồng trên sông chính là nguồn nước luôn lưu thông, ít bị ô nhiễm nên có thể nuôi cá với mật độ cao, mỗi lồng nuôi được từ 5.000 - 6.000 con. Với giá cả ổn định như hiện nay mỗi năm, ông Tung có thu nhập hàng tỷ đồng từ các lồng cá. Dù vậy, theo ông Tung, nuôi cá lồng cũng có nhiều rủi ro trong mùa mưa bão, nếu lơ là chủ quan không cố định khung lồng cẩn thận sẽ bị dòng nước cuốn đi hoặc khi nước lên cao cá sẽ nhảy ra ngoài.

Ông Nguyễn Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường cho biết, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, ngay trước mùa mưa bão, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền tới người nuôi trên địa bàn cần có kế hoạch gia cố lồng, các thành ngăn giữa các lồng nuôi. Đồng thời, chủ động thu hoạch những loại cá đã đạt kích cỡ thương phẩm để tránh thất thoát. Đặc biệt, khi thời tiết diễn biến phức tạp cần nhanh chóng di chuyển các lồng cá về vị trí gần bờ, tránh bị trôi khi nước trên sông lên cao.

Là một trong những hộ nuôi cá lồng có quy mô lớn ở thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, ngay từ khi bắt đầu vào mùa mưa bão, ông Nguyễn Văn Thơi đã chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các lồng cá của gia đình như mua thêm dây thừng chằng lại các thành ngăn nuôi cá, đặc biệt là mua nhiều lưới vây xung quanh mặt các lồng để cá không nhảy ra ngoài khi nước dâng cao. Nhờ cách làm này mà trong đợt mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua, các lồng cá của gia đình ông đã không bị thiệt hại gì.

Trên địa bàn huyện Xuân Trường hiện có khoảng 60 lồng cá của hàng chục hộ với tổng diện tích mặt nước gần 30.000 m2. Theo khuyến cáo của ngành chức năng tỉnh Nam Định, để giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão gây ra, khi có thông tin về tình hình mưa, bão, người nuôi cần chú ý tuân thủ các biện pháp phòng chống mưa bão, bảo vệ con nuôi. Nếu cá đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch ngay.

Đồng thời, tìm vị trí an toàn, kín gió, dòng chảy nhẹ để neo đậu lồng bè khi mưa, bão đổ bộ. Trong trường hợp không thể di chuyển được thì người nuôi có thể hạ độ sâu của lồng để giảm bớt thiệt hại.

Ông Trần Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Trường cho biết, tận dụng lợi thế mặt nước, những năm gần đây một số hộ dân đã đầu tư nuôi cá lồng trên sông Hồng, sông Ninh Cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do đặc thù là một huyện ven biển, hàng năm phải chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, mức độ rủi ro với các hộ nuôi cũng lớn.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ nuôi cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đê điều; không làm ảnh hưởng đến dòng chảy, không gian thoát lũ của các tuyến sông; chủ động sẵn sàng các vật tư, thiết bị gia cố lại lồng bè khi mùa mưa bão đến và tuyệt đối không được ở lại trên bè nuôi cá nếu bão đổ bộ để tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra..

Công Luật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm