Nuôi cá lồng, cá sạch trên lòng hồ Hòa Bình. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN |
Từ giữa năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Nghị quyết số 12/NQ-TU về phát triển nuôi các lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014 – 2020 với mục tiêu hướng đến năm 2020 có 3.500 lồng nuôi cá, sản lượng nuôi, khai thác đạt 5.600 tấn, giải quyết việc làm cho 2.800 lao động. Đồng thời, hình thành các mô hình liên kết doanh nghiệp với nông dân, tổ hợp tác, tạo ra vùng sản xuất thủy sản tập trung, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hiệu quả. Năm 2017 tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra và tỉnh hiện có hơn 4.000 lồng bè, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 8.000 tấn. Riêng huyện Đà Bắc với diện tích hồ nuôi trồng thủy sản khoảng 82 ha, phát triển 1.300 lồng cá, tập trung ở các xã Tiền Phong, Vầy Nưa, Đồng Ruộng, Hiền Lương… sản lượng thủy sản đạt trên 1.000 tấn. Xã Hiền Lương có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 12,1ha, tổng số lồng nuôi 389 lồng, gồm các chủng loại cá như: tầm, trắm cỏ, rô phi đơn tính, trê lai, chiên, ngạnh, nheo... đem lại công việc và thu nhập ổn định cho trên 100 lao động. Những năm qua, xã Hiền Lương luôn được tuyên dương là xã đi đầu trong công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, vận động nhân dân không sử dụng kích điện và các phương tiện vật liệu nổ để đánh bắt cá được các hộ dân ủng hộ, thực hiện khá tốt. Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Lương, ông Đinh Văn Huy chia sẻ, xã Hiền Lương với lợi thế sẵn có đã tận dụng lợi thế diện tích mặt hồ sông Hòa Bình để nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản, xã xác định rõ đây là nguồn thu chủ lực trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo của địa phương. Thực hiện tốt chủ trương là nuôi thủy sản tự nhiên và cá sạch, năm 2015 huyện đã thực hiện nuôi trồng theo hướng VietGAP. Hiện một số doanh nghiệp đã ký kết với các hộ dân nuôi cá lồng hợp quy chuẩn theo hướng VietGAP bảo đảm an toàn thực phẩm, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bảo đảm đầu ra ổn định. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn trong tỉnh, cũng như các doanh nghiệp đầu tư để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Chủ nhiệm Hợp tác xã Hiền Lương, anh Xa Văn Huy cũng là người đi tiên phong trong việc nuôi trồng thủy sản cách đây 7 năm tại địa phương cho biết, hiện nay định hướng của chính quyền tỉnh, huyện và cơ sở chủ trương phát triển nuôi cá lồng kết hợp với du lịch cộng đồng (homestay). Từ đó, đã tạo ra chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, định hướng cho thanh niên, đoàn viên tích cực tham gia nuôi cá lồng tự nhiên, cá sạch trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương. Hợp tác xã đã liên kết với các tổ chức, tiếp cận với khoa học- kỹ thuật, quy trình sản xuất sạch trong nuôi, chăm sóc cá, từ nguồn gốc thức ăn, cách thức phòng bệnh, phương pháp đầu tư, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, tạo sự phát triển ổn định từ nghề nuôi cá. Thời gian qua, nhiều hộ gia đình triển khai nuôi cá lồng, cá sạch đã từng bước thoát nghèo tại địa phương. Anh Xa Diễu Hành, xã Hiền Lương cho biết, sau khi triển khai việc nuôi cá lồng với sự hỗ trợ của địa phương đến nay việc nuôi cá lồng cũng dễ dàng hơn, thu nhập của gia đình bước đầu ổn định, mà giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với công việc làm nông nghiệp. Anh Đinh Tiến Hoàng, xã Hiền Lương thanh niên đang bắt đầu triển khai việc nuôi cá lồng đánh giá đây là hướng đi để phát triển kinh tế sau này cho nhiều thanh niên của địa phương. Để tạo sự phát triển bền vững cho ngành nghề nuôi trồng thủy sản, tỉnh Hòa Bình đang xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá sông Đà, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cá sông Đà; tìm kiếm nhà phân phối có năng lực, uy tín trong tiêu thụ sản phẩm.
Thanh Hải