Giải bài toán tiêu thụ nông sản (Bài 2)

Khách tìm hiểu sản phẩm tỏi đen một nhánh của Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Khách tìm hiểu sản phẩm tỏi đen một nhánh của Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Bài 2: Những lối đi riêng

Để tiêu thụ nông sản thuận lợi, khuếch trương sản phẩm trên thị trường, đặc biệt trong những giai đoạn biến động, vào vụ, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động tìm ra hướng đi riêng.

Từ lâu tỏi tía huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La là một trong những loại nông sản có giá trị kinh tế, được nhiều du khách gần xa biết đến. Bởi, tỏi có mùi rất thơm, cay, nhiều tinh dầu và có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Để nâng cao giá trị sản phẩm tỏi, Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3, huyện Yên Châu đã nghiên cứu, sản xuất thành công sản phẩm tỏi đen một nhánh theo quy trình công nghệ Nhật Bản.

Giải bài toán tiêu thụ nông sản (Bài 2) ảnh 1 Sản phẩm tỏi đen một nhánh của Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Đến nay, sản phẩm tỏi đen Yên Châu đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, mở ra cơ hội phát triển kinh tế từ cây tỏi của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3 đã khai thác giá trị đặc trưng của củ tỏi tía một nhánh hay còn gọi là “tỏi cô đơn” tại địa phương và ứng dụng khoa học, công nghệ để sản xuất tỏi đen một nhánh.

Anh Nguyễn Văn Toàn, thành viên Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3 chia sẻ: “Nhận thấy vùng đất Yên Châu trồng rất nhiều tỏi nhưng chỉ bán nhỏ lẻ, nên giá trị sản phẩm chưa cao. Do vậy đã thôi thúc chúng tôi nghiên cứu lên men để tạo sản phẩm tỏi đen. Đặc điểm nổi bật của việc lên men tỏi của hợp tác xã là nguyên liệu được chọn lọc kỹ, không có chất bảo quản, được lên men đủ ngày, theo quy trình chuẩn, an toàn và vệ sinh, ứng dụng công nghệ lên men của Nhật Bản”.

Theo anh Nguyễn Văn Toàn, ở Việt Nam hiện nay, công nghệ lên men tỏi đen đã được nghiên cứu từ lâu, trên thị trường cũng đã có nhiều thiết bị làm tỏi đen, nhưng giá máy rất đắt. Do vậy giá thành tỏi đen cao và không hướng tới người dùng có thu nhập thấp. Vì thế, Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3 đã bắt tay nghiên cứu chế tạo máy lên men tỏi đen.

Máy lên men tỏi đen có công suất 400 kg tỏi tươi/mẻ, nhiệt độ điều khiển tự động theo từng chu kỳ, giai đoạn khác nhau. Quá trình lên men diễn ra liên tục, chính xác, chất lượng tỏi đen làm ra đồng đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trong khi giá thành sản xuất rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại.

Để tăng công suất chế biến tỏi đen đáp ứng nhu cầu thị trường, các thành viên Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3 đã tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu giải pháp điều khiển tự động và giám sát từ xa với 20 lò lên men tỏi đen. Lò lên men được áp dụng theo công nghệ 4.0, điều khiển tự động trên máy tính hoặc điện thoại, giúp cho việc điều khiển lò lên men tỏi đen đơn giản, chính xác tuyệt đối, nâng cao chất lượng tỏi đen.

Hiện, tổng sản lượng hàng năm hợp tác xã bán ra thị trường khoảng 10 tấn tỏi đen, doanh thu trên 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6 triệu đồng/người/tháng trở lên. Sản phẩm tỏi đen Châu Yên cũng đang được xây dựng để đạt tiêu chuẩn 4 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hợp tác xã cũng chú trọng xây dựng thêm thương hiệu “Tỏi đen Hoshi”, đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt để phục vụ xuất khẩu ra thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Giải bài toán tiêu thụ nông sản (Bài 2) ảnh 2Khách tìm hiểu sản phẩm tỏi đen một nhánh của Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Cũng tận dụng lợi thế 68 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ kết nối đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh đến các khu du lịch, điểm du lịch, nhà hàng trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, Sở Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ về khuyến công, giúp các chủ thể OCOP thay đổi thiết bị sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Sở sẽ liên kết, đặt những điểm bán hàng OCOP tại các tỉnh, thành phố nhằm chủ động nguồn hàng phân phối ngay khi các điểm du lịch, nhà hàng có nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang cho biết, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành công thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm du lịch, nhà hàng, khách sạn nắm bắt nhiều thông tin hơn nữa về sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang, tạo mọi điều kiện tốt nhất hỗ trợ sản phẩm OCOP Hậu Giang vào các điểm du lịch, nhà hàng tiêu thụ.

Tỉnh Phú Thọ có cách đi khác là đưa sản phẩm OCOP lên các nền tảng số. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cùng phối hợp mạng lưới đa kênh MCN Kolin tổ chức chương trình tập huấn livestream bán hàng cho các chủ thể OCOP Phú Thọ với mục tiêu xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực số của các doanh nghiệp, chủ thể vừa và nhỏ tại địa phương. Sự kiện đã thu hút hơn 20 triệu lượt xem, minh chứng cho sức hút của các sản phẩm đặc trưng của địa phương, đến từ 6 sản phẩm tiêu biểu: Thịt chua Trường Foods, Chè Đinh OCOP 5 sao Hoài Trung, Bún gạo Hùng Lô, Tương Hoa Lúa, Rau sắn muối chua Liên Gia Trang, Maika food, cùng với hơn 40 sản phẩm nông đặc sản các loại.

Giải bài toán tiêu thụ nông sản (Bài 2) ảnh 3Vợ chồng chị Phạm Thị Thêm tại khu Chí, xã Chí Đám (Đoan Hùng, Phú Thọ) dán tem truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm bưởi Sửu trước khi đưa đi ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Là doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất khẩu đa dạng các mặt hàng nông sản, bao gồm: Sản xuất dưa lưới, táo, nho phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và chế biến nha đam, thạch dừa xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) cho biết, có một thực tế ở thị trường tiêu dùng trong nước đó là các loại trái cây, nông sản được sản xuất với chất lượng cao, thấp, thương hiệu khác nhau nhưng việc nhận biết chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng chưa rõ ràng. Thêm vào đó, khi kinh tế khó khăn, người dân tiết kiệm hơn trong chi tiêu thì quyết định mua hàng chủ yếu dựa trên so sánh về giá. Vì vậy, công ty tập trung 3 tiêu chí: đảm bảo chất lượng sản phẩm có hương vị ngon, khác biệt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường; tổ chức sản xuất quy mô lớn, gắn với tự động hoá, ứng dụng số để giảm giá thành; đồng hành, hỗ trợ các nhà phân phối trong việc cạnh tranh về giá để có thể mở rộng thị trường, tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn.

Dự báo nửa cuối năm, sức tiêu thụ nông sản trong nước vẫn duy trì ở mức hiện tại, không có đột phá, kế hoạch của G.C Food năm 2023 là sản xuất khoảng 1.000 tấn dưa lưới, chế biến 15.000 tấn thạch dừa và hơn 20.000 tấn nha đam. Đối với thị trường nội địa, công ty xác định chấp nhận giảm biên lợi nhuận, tìm giải pháp sản xuất hiệu quả hơn, cung ứng cho thị trường các sản phẩm chất lượng tốt với giá thành cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Thứ cho biết, hiện nay Chính phủ đã có chính sách kích cầu tiêu dùng thông qua việc giảm thuế giá trị gia tăng rất thiết thực. Tuy nhiên doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản vẫn cần sự tiếp sức từ phía ngân hàng như giảm lãi suất cho vay, tạo nguồn vốn vay linh hoạt hơn; đồng thời phải chấm dứt tình trạng ngân hàng yêu cầu khách vay mua bảo hiểm vì đây là nguyên nhân tăng chi phí khoản vay.

Thêm vào đó, chi phí logistics đang là gánh nặng đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm. Các loại trái cây, nông sản tươi thường có giá trị thấp nhưng phí cầu, đường và các chi phí lưu thông khác rất lớn. Hiện nay, chi phí logistics đang chiếm đến 25% giá thành sản phẩm khiến cho khả năng cạnh tranh của nông sản, trái cây bị giảm đáng kể. Do đó, doanh nghiệp rất mong các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ, giảm phí cầu, đường cho các phương tiện vận chuyển nông sản, thực phẩm, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, cũng là tạo điều kiện để người tiêu dùng được mua sản phẩm với giá hợp lý hơn. (Xem tiếp Bài 3: Áp lực nguồn vốn ưu đãi)

Thu Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm