Gia Lai: Tìm hướng phát triển mới cho cây dược liệu

Gia Lai: Tìm hướng phát triển mới cho cây dược liệu

Cây dược liệu tại Gia Lai đang dần hình thành những vùng chuyên canh có quy mô, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Việc định hình- hướng phát triển cho cây dược liệu đang được tỉnh Gia Lai tập trung xây dựng. Trong đó, việc lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu là mục tiêu quan trọng được Gia Lai hướng đến.

Gia Lai: Tìm hướng phát triển mới cho cây dược liệu ảnh 1Mô hình trồng cây dược liệu của Công ty Cổ phần dược liệu Gia định, xã Ia HLốp, huyện Chư Sê, Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN

Tỉnh Gia Lai là địa phương có tài nguyên rừng phong phú và đa dạng sinh học với nhiều loại động- thực vật quý hiếm. Trong đó, có 537 loài dược liệu quý hiếm thuộc 135 họ có giá trị sử dụng rộng rãi, tiềm năng lớn để phát triển thành sản phẩm chủ lực. Nhiều sản phẩm từ cây dược liệu đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội. 

Đặc biệt, trong danh sách các loại dược liệu quý hiếm thì tại Gia Lai có đến 21 loài dược liệu là thực vật quý hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam, 30 loài cây dược liệu chính được sử dụng rộng rãi, có giá trị kinh tế cao như: sa nhân, đương quy, mật nhân, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, lan kim tuyến… Các loài dược liệu này chủ yếu phân bổ dưới các tán rừng tự nhiên, tập trung ở các huyện Kbang, Đak Đoa, Chư Prông, Mang Yang với tổng diện tích hơn 45.300 ha.

Nhờ có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, trong nhiều năm qua, các địa phương, doanh nghiệp và người dân cũng đã mạnh dạn đầu tư phát triển, mở rộng diện tích trồng dược liệu trên đất nông nghiệp với gần 4.000 ha với các loại như mật nhân, đinh lăng, nghệ, gừng, lan kim tuyến, sa nhân, sâm bố chính, sâm đương quy, đẳng sâm, cà gai leo, đan sâm, hà thủ ô…

Gia Lai: Tìm hướng phát triển mới cho cây dược liệu ảnh 2 Những diện tích cây dược liệu tại huyện Chư Sê ngày càng được mở rộng vì giống cây này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Hầu hết, các loại dược liệu này đã được phát triển bằng các mô hình có quy mô, kỹ thuật trồng và chăm sóc bài bản. Trong đó phải kể đến các mô hình như: mô hình trồng sâm bố chính của Hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu Quang Vinh (thôn 1, xã Sơ Pai, huyện Kbang) cho năng suất 6 tấn tươi/ha, lợi nhuận khoảng 335 triệu đồng/ha; mô hình trồng xen cà gai leo trong vườn cà phê tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) cho năng suất 30 tấn/năm, lợi nhuận 40-50 triệu đồng/ha…

Đặc biệt, tỉnh cũng đã hình thành 3 cơ sở chế biến dược liệu có tên tuổi như Công ty TNHH Phát triển Khoa học quốc tế Trường Sinh, Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai (Khu Công nghiệp Trà Đa) và Nhà máy dược liệu tại Cụm công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Păh.

Bên cạnh các dự án đã và đang phát huy được hiệu quả kinh tế, các dự án có quy mô lớn cũng đang được các nhà đầu tư quan tâm. Theo báo cáo ngành chức năng tỉnh Gia Lai, hiện đã có 4 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 497 tỷ đồng; 10 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư với quy mô khoảng 1.821 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư trên 7.272 tỷ đồng.

Gia Lai: Tìm hướng phát triển mới cho cây dược liệu ảnh 3Vùng phát triển cây dược liệu tại Chư Sê đã giúp người dân có thu nhập ổn định hơn. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 (đợt 2) đối với 9 dự án trồng, nhân giống và phát triển cây dược liệu có ứng dụng công nghệ cao, phát triển dược liệu dưới tán rừng với tổng diện tích 8.450 ha, tổng vốn đầu tư 4.197 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho hay: Theo kế hoạch đến năm 2025, Gia Lai sẽ phát triển diện tích cây dược liệu đạt 5.000-10.000 ha; trong đó sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến mỗi loại 300-500 ha; thất diệp nhất chi hoa 200-300 ha, đinh lăng 500-1.500 ha… Tỉnh đặt mục tiêu hình thành ít nhất 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng.

Đồng thời, tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, tỉnh sẽ hình thành 2 trung tâm trồng khảo nghiệm, sản xuất giống cây dược liệu quý, giống cây dược liệu hàng hóa có giá trị kinh tế và lợi thế; tập trung bảo tồn 21 loài dược liệu quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt; hướng đến xây dựng Trung tâm Bảo tồn tri thức y học cổ truyền và nguồn gen cây thuốc quý của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Bên cạnh định hướng phát triển các loại dược liệu bản địa, tỉnh Gia Lai cũng đang hướng đến các loại dược liệu ngoại có chọn lọc. Đơn cử là các loại cây nhân sân đến từ xứ sở Kim Chi- Hàn Quốc. Việc lựa chọn các loại cây dược liệu nhân sân Hàn Quốc của tỉnh Gia Lai là có cơ sở. Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp Hàn Quốc trong chuyến khảo sát môi trường đầu tư dược liệu tại tỉnh Gia Lai vào cuối tháng 7 vừa qua, địa phương này có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với đặc tính của cây sâm Cao Ly.

Ông Namgung Yoon-soo, Giám đốc điều hành Hiệp hội nhân sâm Jeonbuk- Hàn Quốc đánh giá: Cây sâm Hàn Quốc thích hợp với vùng có thời tiết từ 20-25 độ C, lượng mưa trung bình từ 1.100-1.300 mm; độ pH của đất từ 5-6, chất đất pha cát sỏi. Cây sâm nếu được trồng bên sườn hướng về phía Bắc thì sẽ phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, sau khi trồng, việc quản lý phải được thực hiện thật tốt, kỹ lưỡng. Dịp này, chúng tôi rất muốn được tìm hiểu, khảo sát trực tiếp các vùng có điều kiện tương ứng ở Gia Lai để trồng thử nghiệm, hướng tới việc phát triển loài sâm này tại đây.

Với những đánh giá của các chuyên gia người Hàn Quốc, tại tỉnh Gia Lai có một số vùng có điều kiện khí hậu lí tưởng để đưa giống nhân sâm Hàn Quốc về trồng thử nghiệm. Theo ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, ở Gia Lai có một số vùng nằm ở phía Đông Bắc tỉnh có điều kiện phù hợp để trồng cây sâm Hàn Quốc, đáp ứng được yêu cầu về thời tiết, lượng mưa. Đặc biệt, đây cũng là vùng nằm trong quy hoạch trồng và phát triển cây sâm của tỉnh Gia Lai.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm