Gia Lai nỗ lực giảm số xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn

Gia Lai nỗ lực giảm số xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Krông Pa (Gia Lai) đã triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Gia Lai nỗ lực giảm số xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn ảnh 1Bà con dân tộc ở huyện Krông Pa được từ vấn sức khỏe qua các chương trình y tế, chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ông Nguyễn Tiến Đãng, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, người dân trên địa bàn được hưởng lợi nhiều từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Riêng năm 2022, huyện Krông Pa đã giải quyết cho 36 hộ nghèo không có nhà ở hoặc nhà ở dột nát có nơi ở ổn định; xây dựng hơn 14 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; nâng cao năng lực cho cộng đồng về ý thức thực hiện bình đẳng giới; hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện Krông Pa có 14 xã, thị trấn, trong đó 9 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống. Chính quyền địa phương luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc nhằm giúp người dân định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia Lai nỗ lực giảm số xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn ảnh 2Đường giao thông tại buôn Ma Nhe, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa được làm từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ông Rô Krik, Chủ tịch UBND xã Đất Bằng cho biết, xã là địa bàn khó khăn của huyện, hộ nghèo khá cao chiếm 31,6%. Toàn xã còn 30 hộ khó khăn về nhà ở. Năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã triển khai, hỗ trợ 7 hộ nghèo làm nhà ở, 19 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách - xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp. Khi thực hiện chương trình, UBND xã chỉ đạo các thôn, buôn rà soát danh sách hộ nghèo, tiến hành họp dân, ưu tiên làm trước cho hộ khó khăn về nhà ở, hộ còn lại tiếp tục được hỗ trợ trong những năm tiếp theo. Đây là tiền đề để xã hoàn thành tiêu chí Nhà ở dân cư trong bộ tiêu chí nông thôn mới.

Gia Lai nỗ lực giảm số xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn ảnh 3Đường làng ngõ xóm tại vùng dân tộc thiểu số huyện Krông Pa được dọn dẹp, phát quang sạch sẽ. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Để kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho người dân vận chuyển nông sản, năm 2022, huyện Krông Pa đầu tư con đường từ buôn Ia Sóa (xã Krông Năng) vào khu sản xuất tập trung, chiều dài hơn 1 km. Năm 2023, một tuyến đường khác vào khu sản xuất tập trung của bà con buôn Ia Sóa được đầu tư làm mới với kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng. Có đường bê tông, đi rẫy thuận tiện hơn, nhất là khi mùa mưa đến, người dân nơi đây vui mừng, thêm tin tưởng vào sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND xã Chư Drăng, huyện Krông Pa hỗ trợ 15 hộ nghèo vay vốn chuyển đổi nghề nghiệp, 7 hộ vay vốn đầu tư sản xuất và 7 hộ nghèo làm nhà ở.

Gia đình ông Nay Liếu là một trong những hộ nghèo của buôn Suối Cẩm, xã Chư Drăng có hoàn cảnh khó khăn, thiếu đất sản xuất, chủ yếu đi làm thuê nên cuộc sống bấp bênh. Nhà đã xuống cấp nhưng gia đình ông không có điều kiện để sửa chữa. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước 44 triệu đồng, gia đình ông Liếu vay ngân hàng 40 triệu đồng và góp thêm vật liệu làm được ngôi nhà sàn mới. Đây là niềm vui lớn nhất, động lực để các thành viên trong gia đình ông cố gắng lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Gia Lai nỗ lực giảm số xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn ảnh 4Chính quyền địa phương hướng dẫn thủ tục vay vốn ngân hàng để giúp bà con có vốn đầu tư sản xuất. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Hiện, huyện Krông Pa có 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai với tổng số vốn trên 39 tỷ đồng. Cuối năm 2022, Krông Pa thực hiện được 6/10 dự án, với kinh phí hơn 19 tỷ đồng; còn lại 20 tỷ đồng được chuyển nguồn sang năm 2023.

Với mục tiêu nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, huyện Krông Pa đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi trên địa bàn.

Gia Lai nỗ lực giảm số xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn ảnh 5Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số tại huyện Krông Pa (Gia Lai) đã có đời sống khá giả nhờ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Huyện Krông Pa lồng ghép nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó tập trung giảm nghèo nhanh, bền vững; nỗ lực giảm số xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Chính quyền địa phương tập trung quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ tập tục lạc hậu.

Krông Pa có phương án phù hợp, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư ở vùng có điều kiện khó khăn nhất, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân, gia đình nâng cao ý thức tự nỗ lực vươn lên.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm