Gia Lai nỗ lực giảm nghèo vùng đặc biệt khó khăn

Bộ mặt khang trang của huyện KBang. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Bộ mặt khang trang của huyện KBang. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đến với các địa phương nghèo, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai đã phát huy hiệu quả thiết thực giúp cải thiện tích cực điều kiện sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Diện mạo nông thôn theo đó cũng đổi thay, khang trang hơn, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế và ổn định xã hội của tỉnh.

Gia Lai nỗ lực giảm nghèo vùng đặc biệt khó khăn ảnh 1Bộ mặt khang trang của huyện KBang. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Gia Lai có 4 địa phương là KBang, Kông chro, Ia Pa và Krông Pa được thụ hưởng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Thông qua Chương trình này, 4 địa phương được đầu tư 1.250 tỷ đồng để xây dựng 23 công trình hạ tầng giao thông, 24 công trình trường học, 5 hệ thống nước sinh hoạt, 8 trạm y tế, kiên cố hóa hơn 12 km kênh mương nội đồng…

Gia Lai nỗ lực giảm nghèo vùng đặc biệt khó khăn ảnh 2Duy tu, bảo dưỡng đường giao thông liên xã Kông Lơng Khơng, huyện KBang. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Ngoài ra, cũng từ nguồn vốn này, các địa phương đã cấp gần 1.200 con bò, hơn 44.000 cây điều ghép, hơn 600.000 kg phân bón để hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn. Việc đầu tư có trọng điểm và thiết thực của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đã tạo đà cho các vùng đặc biệt khó khăn dần thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, từng bước hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước.

Gia Lai nỗ lực giảm nghèo vùng đặc biệt khó khăn ảnh 3Đường bê tông đi qua khu sản xuất ở xã Đăk HLơ, huyện KBang. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Kbang là 1 trong 3 địa phương của tỉnh Gia Lai đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo nhờ nguồn lực quan trọng của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Chương trình đến với địa phương phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là về đầu tư kết cấu hạ tầng, một số tuyến đường từ huyện đến xã được đầu tư thông suốt, mùa mưa không còn bị chia cắt. 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% xã được đầu tư nhà văn hóa, 50% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia về giáo dục, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 3-5%/năm và phấn đấu đến cuối năm nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 7%.

Gia Lai nỗ lực giảm nghèo vùng đặc biệt khó khăn ảnh 4Đường giao thông trung tâm huyện KBang. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện KBang Võ Văn Phán cho rằng, nét nổi bật của chương trình là tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng, theo đó vùng nông thôn trực tiếp được tiếp cận và hưởng lợi.

Ngoài việc đầu tư xây dựng các tuyến giao thông chính, đường vào các khu sản xuất của nhân dân cũng được đầu tư bê tông kiên cố nên không còn cảnh ngập úng vào mùa mưa, xe chở nông sản không thể di chuyển do đường xuống cấp, hư hỏng. Việc giao thương thông suốt giúp chi phí sản xuất hàng hóa, nông nghiệp của người nông dân giảm 50%, giá cả các mặt hàng nông sản tăng cao hơn giúp nông dân có thêm thu nhập, bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc.

Gia Lai nỗ lực giảm nghèo vùng đặc biệt khó khăn ảnh 5Điện lực Gia Lai sửa sang lưới điện ở trung tâm huyện KBang. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Vui mừng về tuyến giao thông được Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đầu tư cho xã, anh Nguyễn Xuân Hải ở làng Đầm Thương, xã Tơ Tung vui mừng chia sẻ, trước đây khi chưa được đầu tư đường giao thông, cầu thì việc đi lại, sản xuất, vận chuyển nông sản vô cùng khó khăn. Nay nhiều cây cầu được xây dựng, đường bê tông phủ khắp vùng giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, người dân rất vui mừng. Là người dân sinh sống lâu nay ở vùng đất này, anh cảm nhận được sự thay đổi từng ngày, dân trí phát triển, môi trường khang trang.  

Qua 5 năm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đã giúp các địa phương đặc biệt khó khăn giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm, đóng góp quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Gia Lai từ gần 20% năm 2015 dự kiến giảm còn 4,5% vào cuối năm nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa…

Ông Phạm Công Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai có 74 xã thuộc 4 huyện nghèo được thụ hưởng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Qua 5 năm triển khai, nguồn vốn này đã phát huy hiệu quả rõ nét, nhiều công trình thiết yếu đi vào cuộc sống phục vụ thiết thực nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nhờ đó, đến nay đã có 3 trong số 4 địa phương hoàn thành mục tiêu thoát nghèo với tỷ lệ giảm nghèo giảm bình quân 4%/năm, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo của tỉnh xuống còn 4,5% vào cuối năm nay.

Những nỗ lực của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đã công đồng góp sức tạo dựng nên bộ mặt nông thôn mới của tỉnh Gia Lai đầy khởi sắc với 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có trạm y tế, 100% xã, thôn làng có lưới điện quốc gia, trên 98% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng, trên 94% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thu nhập bình quân đầu người tăng 3 triệu dồng/người/năm…

Ngoài ra, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững còn giúp hình thành nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao cho người nông dân như: mô hình trồng cây mắc ca ở KBang, mô hình cánh đồng lúa một giống ở huyện Phú Thiện, mô hình trồng hồ tiêu hữu cơ ở huyện Đăk Đoa cùng nhiều vùng sản xuất mía tập trung ở các huyện phía Đông của tỉnh. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa ngày càng được nâng cao, an ninh trận tự xã hội khu vực nông thôn giữ vững và ổn định.

Nguyễn Hoài Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm