Do có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phát triển nông nghiệp nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khoảng 3 năm trở lại đây, tỉnh Gia Lai đã tập trung phát triển các mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao chất lượng cũng như tăng giá trị vốn có của các sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, ngành nông nghiệp Việt Nam đi theo hướng giá trị chuỗi liên kết mới thật sự bền vững, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại tỉnh Gia Lai bước đầu cho hiệu quả rất khả quan.
Trên thực tế, lao động ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai dồi dào, người dân cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Khi tham gia chuỗi liên kết, người nông dân được doanh nghiệp hướng dẫn, chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Việc tham gia vào cánh đồng liên kết là một phương thức sản xuất mới, mang tính thực tiễn, khoa học, mang yếu tố cộng đồng và cụ thể về các lợi ích kinh tế.
Đồng thời, xây dựng mô hình liên kết đã góp phần tăng thu nhập do tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất; lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với sản xuất truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích canh tác; khắc phục một phần khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; áp dụng tiến bộ kỹ thuật trên quy mô lớn.
Ngoài ra, việc thực hiện mô hình liên kết còn góp phần hạn chế tình trạng chồng chéo, tranh mua, tranh bán nguyên liệu của các doanh nghiệp, nhà máy. Cùng đó, đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động ổn định, gắn sản xuất với thị trường, tăng khả năng cạnh tranh do kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Hình thành được các liên kết giữa nông dân với nông dân; giữa nông dân với doanh nghiệp; xây dựng được hệ thống canh tác hợp lý trong vùng nguyên liệu có tác dụng bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sinh thái một cách bền vững, kiểm soát được tình trạng sử dụng không hợp lý các loại thuốc bảo vệ thực vật.
"Việc tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết trên các loại cây trồng tại địa bàn tỉnh Gia Lai đã mang lại kết quả vượt trội so với diện tích bên ngoài mô hình, cả về năng xuất, sản lượng, chất lượng nông sản; các doanh nghiệp đã chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương, Hợp tác xã, Tổ hợp tác và hộ nông dân để xây dựng mô hình liên kết. Đây là mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ bước đầu mang lại hiệu quả, cần được nhân rộng mạnh mẽ." - ông Đoàn Ngọc Có nhấn mạnh.
Gia Lai hiện có gần 140 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ yếu của 3 nhóm tác nhân tham gia mô hình liên kết sản xuất. Đó là, doanh nghiệp; doanh nghiệp và hợp tác xã/tổ hợp tác; hợp tác xã và hộ nông dân. Thực trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản phân theo sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Gia Lai hầu hết là liên kết theo chuỗi giá trị và các doanh nghiệp tự liên kết với hợp tác xã và hộ dân, hợp tác xã với nông dân.
Điển hình là 2 doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã triển khai thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê và rau quả (chanh dây, cây dứa, cây ngô ngọt, cây đậu tương, chuối tiêu hồng, rau chân vịt).
Hai doanh nghiệp này đã kết hợp với 9 hợp tác xã, 71 tổ hợp tác và hơn 8.000 hộ dân tham gia xây dựng chuỗi liên kết trên tổng diện tích hơn 22.000 ha (hơn 2.000 ha rau quả của Công ty Doveco và 20.000 ha cà phê của Công ty Vĩnh Hiệp). Hai doanh nghiệp cũng là 2 đơn vị đầu tiên của Tây Nguyên có các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường châu Ân theo Hiệp định Thương tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với số lượng, chất lượng ổn định.
Để có thể phát triển, khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trong ngành nông nghiệp trong thời gian tới, theo 2 doanh nghiệp đầu tàu về liên kết sản xuất trên địa bàn nói trên, tỉnh Gia Lai cần tập trung nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã để thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ nông sản.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất. Cùng đó, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, tìm kiếm, mời gọi sự tham gia của các doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết để có những định hướng đầu tư đúng mục đích.
Ông Thái Vĩnh Hiệp, Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp đề xuất, tỉnh Gia Lai cũng cần xúc tiến việc tổ chức liên kết giữa nông dân với nhau thông qua hình thức tổ nhóm, nhất là hợp tác xã để cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng, kịp thời gian cho nhiều đối tác thị trường trong và ngoài nước; có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý về chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn và chất lượng.
Ngành nông nghiệp địa phương tăng cường việc hỗ trợ nông dân trong việc huấn luyện, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất từ khâu sản xuất giống, phương pháp nuôi trồng, thu hoạch, sau thu hoạch, chế biến bao bì, bảo quản, vận chuyển, gắn với sản phẩm cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khắc phục sản xuất ở quy mô nhỏ, lẻ gắn với kinh tế hộ gia đình, không tương thích với kinh tế thị trường và hội nhập thông qua việc thúc đẩy thành lập liên kết các hộ nông dân sản xuất, doanh nghiệp thu mua thành một vòng khép kín.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng đang tăng cường việc kết nối giữa doanh nghiệp thu mua, phân phối, tiêu thụ và nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra thông qua hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp với hợp tác xã kiểu mới, nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Để phát triển vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp trên địa bàn, 2 doanh nghiệp là Doveco và Vĩnh Hiệp đều có những chính sách ưu đãi riêng để khuyết khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả và bền vững.
Cụ thể như việc hai doanh nghiệp này đã đưa nhân viên có trình độ chuyên môn về hỗ trợ cho các tổ hợp tác và hợp tác xã hỗ trợ tư vấn, quản lý các hoạt động sản xuất nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao. Hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật để sản xuất ra các sản phẩm nông sản hàng hóa có chất lượng tốt, nhằm đảm bảo theo đúng quy cách, số lượng, chất lượng, giá cả sản phẩm mà thị trường yêu cầu.
Hồng Điệp