Lựa chọn mô hình vườn đa cây, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, nhiều cựu chiến binh ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đã và đang tạo được nguồn thu nhập cao, ổn định. Bên cạnh đó, các cựu chiến binh ở đây đã dựa vào các vườn đa cây làm tiền đề để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp tại địa phương.
Mô hình vườn đa cây kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch của gia đình ông Đặng Thanh Vân (tổ dân phố 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh). Ảnh: Quang Thái - TTXVN
Chuyển đổi mô hình vườn cà phê sang trồng cây ăn quả như sầu riêng, bơ, mít, chôm chôm, ổi… gia đình cựu chiến binh Võ Văn Đại (thôn 1, xã Ia Ka, huyện Chư Pah) đã có được một cơ ngơi với thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Trước đây, ông là chiến sĩ của Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 - Bảo vệ Thủ đô. Rời mảnh đất miền Trung Hà Tĩnh, ông vào Tây Nguyên làm kinh tế mới. Vào thời “hoàng kim của cà phê, cao su, hồ tiêu”, nhà nhà, người người trồng cây công nghiệp. Sau khi giá cả của những cây cà phê, hồ tiêu, cao su rớt giá thê thảm, gia đình ông chuyển qua mô hình vườn đa cây ăn quả với mít, sầu riêng, bơ, chôm chôm, ổi…
Khởi nghiệp với 1 ha đất ban đầu, sau bao năm cần mẫn làm lụng, tiết kiệm, đến nay, ông Đại đã mở rộng diện tích đất lên khoảng 3,5 ha. Phần lớn diện tích này, gia đình ông chuyển sang trồng cây ăn quả, còn lại một phần, ông đào ao thả cá và dành 4 sào đất để trồng lúa, vừa cung cấp lương thực thực phẩm tại chỗ, vừa phục vụ nước tưới cho vườn cây.
Mô hình vườn đa cây kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch của gia đình ông Đặng Thanh Vân (tổ dân phố 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh). Ảnh: Quang Thái - TTXVN
Ông Đại cho biết: “Trước đây, gia đình chỉ chuyên canh trồng cà phê, mùa màng khi được khi mất, giá cả bấp bênh và tốn nhiều công chăm bón. Sau nhận thấy nhu cầu tiêu thụ hoa quả, nhất là bơ và sầu riêng tăng, tôi đầu tư trồng thêm. Trung bình mỗi mùa, với 160 cây bơ, tôi thu được khoảng 400 triệu đồng. Với sầu riêng, từ đầu mùa tháng 6 đến nay, 80 gốc đã cho gia đình thu nhập từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/ngày. Việc đa dạng cây ăn quả trong vườn cứ luân phiên cho thu nhập quanh năm”.
Cũng lựa chọn mô hình vườn đa cây nhưng kết hợp với kinh doanh dịch vụ du lịch, mô hình trang trại của cựu chiến binh Đặng Thanh Vân (tổ dân phố 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) thực sự là “mô hình điểm” cho nhiều hộ dân học tập và làm theo. Rời quân ngũ năm 1987, ông Thanh khăn gói vào tỉnh Đăk Lăk tìm kiếm mảnh đất mới. Thế nhưng, cái duyên lại đưa ông đến với Gia Lai. Phát huy những phẩm chất của “Bộ đội cụ Hồ”, cần cù, chịu khó, ông đã biến đất khó nở hoa. Năm 2017, ông khăn gói ra Bắc tìm đến các vườn cây ăn trái để học để về áp dụng trên diện tích đất của mình. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đa cây, lấy cây này bù cây kia, ông chọn các loại cây như ổi lê Đài Loan lai Hàn Quốc xen canh với nhãn; bơ, sầu riêng, mít thái; na dai trồng xen với hồng… Bên cạnh đó, tận dụng diện tích mặt suối, ông đầu tư ngăn đập phục vụ tưới tiêu vườn cây. Xung quanh ông đầu tư xây dựng các chòi, lán phục vụ vui chơi, giải trí như câu cá, ăn uống.
Sau hơn hai năm vun trồng, chăm sóc, những lựa chọn của ông Vân đã không phụ lòng người. Dù mới bước vào thu hoạch năm đầu, dịch vụ vui chơi giải trí mới có khách, nhưng mỗi năm cũng đã cho gia đình ông thu nhập 700- 800 triệu đồng.
Mô hình vườn đa cây kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch của gia đình ông Đặng Thanh Vân (tổ dân phố 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh). Ảnh: Quang Thái-TTXVN
Ông Vân cho biết: “Tôi quan niệm phải làm thế nào để có thể thu lợi nhiều nhất, hiệu quả và bền vững nhất trên cùng một diện tích đất. Do đó, làm nông nghiệp cũng cần phải có tính khoa học, phải am hiểu thổ nhưỡng cũng như cây trồng. Tôi thực hiện đa canh phân chia theo tán cây. Tầng thấp thì trồng ổi, cao hơn trồng na dai, bơ, vú sữa, nhãn… Ngoài ra, tôi cũng đào ao nuôi cá, làm chuồng trại nuôi và cung cấp gà giống với quy mô 10.000 con. Nguồn phân bón từ trại gà lại được sử dụng để vun bón cho cây trồng. Tôi chủ trương làm nông nghiệp sạch để phục vụ thị trường cũng như nhu cầu tham quan, vui chơi cho du khách. Hiện tại, nguồn thu chính của trang trại là từ hơn 500 cây ổi. Với kỹ thuật chăm sóc đặc biệt, ổi cho thu nhập quanh năm. Trung bình mỗi ngày bán ra thị trường từ 40-50kg, với giá ổi bán 25-30 ngàn/1kg cũng đã có thu nhập ổn định”.
Chuyển hướng cơ cấu cây trồng từ cây công nghiệp dài ngày sang cây ăn quả được nông dân ở nhiều địa phương tỉnh Gia Lai thực hiện có hiệu quả. Các loại cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao như bơ, sầu riêng, chôm chôm, na dai, mít… được ưa chuộng hơn cả. Tại huyện Chư Pah, không chỉ phát huy lợi thế của các loại cây trồng trên, các cựu chiến binh ở đây còn tận dụng diện tích cũng như quang cảnh của vườn tược để làm nông nghiệp gắn với sinh thái, hướng đến phát triển loại hình du lịch canh nông trong tương lai gần.
Ông Nguyễn Duy Cường-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh cho hay: “Để khuyến khích các cựu chiến binh trên địa bàn tích cực phát triển kinh tế, chúng tôi thường hướng cho hội viên thực hiện đa dạng các loại cây trồng, có thể trồng xen canh hoặc quy hoạch theo từng nhóm cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng. Bên cạnh đó kết hợp chăn nuôi để tận dụng nguồn chất thải, sau đó xử lý để dùng làm phân bón cho cây trồng. Hiện Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Chư Păh có 107 hội viên, trong đó có khoảng hơn 40 hội viên có mô hình gia trại, trang trại với diện tích vườn từ 3ha trở lên. Ngoài đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết hàng ngàn ngày công cho lao động tại chỗ, nhiều chủ trang trại cũng có hướng gắn trang trại với việc thu hút du khách đến tham quan, trực tiếp thu hoạch hoa quả tại vườn và trải nghiệm các dịch vụ giải trí khác. Đây là hướng đi rất có triển vọng khi huyện Chư Păh nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung đang chú trọng phát triển du lịch”.
Quang Thái
(TTXVN)