Gạo Phú Thiện ngày một khẳng định vị thế

Gạo Phú Thiện ngày một khẳng định vị thế

Để phát triển thương hiệu gạo Phú Thiện, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động nguồn giống giúp nhân dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm , nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Qua một năm triển khai "Đề án liên kết sản xuất lúa giống trên địa bàn huyện Phú Thiện, giai đoạn 2020-2025", bước đầu đã cho những kết quả khả quan.

Gạo Phú Thiện ngày một khẳng định vị thế ảnh 1Ngành nông nghiệp Gia Lai kiểm tra giống nhằm nâng cao chất lượng lúa, gạo trên địa bàn huyện Phú Thiện. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, do hệ thống sông suối, kênh mương thủy lợi phong phú, đa dạng chủ động được nguồn nước trong phát triển sản xuất nên huyện Phú Thiện có lợi thế lớn để sản xuất diện tích lúa nước 2 vụ với diện tích hơn 6.000 ha (2 vụ là 12.000 ha). Đây là một trong những vựa lúa lớn của Tây Nguyên, tuy nhiên thương hiệu chưa được khẳng định nhiều trên thị trường.

Do đó, để phát triển thương hiệu gạo Phú Thiện, chính quyền địa phương đã tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chọn một số loại giống năng suất và chất lượng cao gieo trồng tại các cánh đồng lớn. Phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng các loại giống và thực hiện chế biến, bao tiêu sản phẩm để giải quyết đầu ra cho người dân. Đặc biệt, trong "Đề án liên kết sản xuất lúa giống trên địa bàn huyện Phú Thiện, giai đoạn 2020-2025", huyện Phú Thiện sẽ tập trung nghiên cứu sản xuất giống, thời gian đầu hỗ trợ kinh phí, phân bón, kỹ thuật để hợp tác xã nông nghiệp nhân rộng diện tích trong dân.

Gạo Phú Thiện ngày một khẳng định vị thế ảnh 2Gạo Phú Thiện ngày càng khẳng định vị thế trên thị thường thông qua kênh sản xuất, chế biến từ Hợp tác xã nông nghiệp Chư A Thai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Theo đó, năm 2020, huyện Phú Thiện đã hỗ trợ người dân một phần kinh phí triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất giống mới trên 1.200 ha diện tích cách đồng lớn. Hỗ trợ máy gặt, máy sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư các cơ sở sản xuất, các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn huyện.

Hợp tác xã nông nghiệp Chư A Thai, huyện Phú Thiện, được UBND tỉnh Gia Lai chọn làm hợp tác xã điểm và chịu trách nhiệm tìm nguồn giống lúa chất lượng cao để sản xuất đáp ứng yêu cầu xây dựng nhãn hiệu gạo Phú Thiện. Ông Phạm Ngọc Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Chư A Thai, cho biết, trong suốt 5 năm qua, Hợp tác xã đã cung ứng, tập trung các bộ giống tốt như J02, LH12, TPR225 đạt tiêu chuẩn OCOOP 4 sao, có chỗ đứng trong thị trường được nhiều người tin dùng. Hệ thống khách hàng sỉ thường xuyên là các siêu thị, cơ sở mua bán lúa gạo và số đông người dân trực tiếp sử dụng.

Gạo Phú Thiện ngày một khẳng định vị thế ảnh 3Gạo Phú Thiện ngày càng khẳng định vị thế trên thị thường thông qua kênh sản xuất, chế biến từ Hợp tác xã nông nghiệp Chư A Thai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Huyện Phú Thiện cũng hỗ trợ các Hợp tác xã về giống và quy trình sản xuất như đạt theo tiêu chuẩn VIETGAP, quy trình chế biến được hướng dẫn theo tiêu chuẩn ISO9001, quy trình sản xuất, chế biến, nhà kho, máy móc và trang thiết bị xay xát, chế biến, đóng bao, truy xuất nguồn gốc cho Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai. Hiện nay Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai cũng đã có quy mô cung ứng gạo cho địa bàn, các địa phương hằng năm đạt 100 tấn và đang từng bước nâng dần lên. Huyện cũng đã xây dựng 1 đề án sản xuất giống lúa, chủ động đưa các giống có chất lượng để phục vụ cho địa phương để phát triển thương hiệu gạo.

Để quảng bá, nâng tầm, khẳng định vị thế gạo Phú Thiện, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai khẳng định sẽ tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với quy hoạch sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, quy trình sản xuất, tạo điều kiện để có vùng nguyên liệu tốt nhất nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Đồng thời, đưa giống chất lượng cao vào sản xuất, hướng sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao gắn với các giống đặc sản để nâng cao về mặt chất lượng giá trị, thu nhập cho người dân.

Ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai cũng tiếp tục khai thác thương hiệu gạo đã được công nhận thương hiệu. Từ việc đã có quy trình giám sát chặt chẽ, khai thác tối đa thương hiệu gạo trên địa bàn, để đảm bảo chất lượng đầu vào, đầu ra để duy trì nâng cao chất lượng, phát huy thương hiệu. Quan tâm, củng cố phát huy vai trò Hợp tác xã trên địa bàn. Mở rộng quy mô hoạt động, tăng số lượng hợp tác xã tham gia vào mô hình này, phát huy được vai trò của hợp tác xã trên địa bàn.

Đặc biệt, khi người dân tham gia vào hợp tác xã thì sẽ được nhiều lợi ích về cung ứng giống, vật tư đầu vào không tính lãi, chi phí sản xuất giảm, được hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hợp tác xã cũng cam kết thu mua giá cao hơn thị trường. Tuy nhiên, yêu cầu phải sử dụng giống lúa do Hợp tác xã cung cấp để đồng bộ sản phẩm đầu ra.

Ông Ksor Jun, làng Glung Mơ Lan, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai cho biết, gia đình ông có 1,5 ha lúa nằm trong diện tích cánh đồng lớn lúa 1 giống của huyện Phú Thiện. Trước đây, do trồng lúa theo phương pháp truyền thống nên năng suất kém chỉ đạt 8 tạ/sào. Từ ngày tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai, được tập huấn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng lúa gia đình ông được hơn 1 tấn/sào.

Năm 2019, gạo Phú Thiện đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu gạo Phú Thiện. Để phát triển thương hiệu gạo địa phương, huyện Phú Thiện đã đưa rất nhiều giống lúa chất lượng cao vào sản xuất thí điểm và nhân rộng trên địa bàn. Từ đó, tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người trồng lúa cũng như khẳng định thương hiệu gạo Phú Thiện trên thị trường lúa gạo cả nước.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm