Gia Lai: Hợp tác xã nông nghiệp - Đòn bẩy giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm

Các sản phẩm OCOP 4 sao tiêu hữu cơ Lệ Chí của gia đình anh Nguyễn Tấn Công ở xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Các sản phẩm OCOP 4 sao tiêu hữu cơ Lệ Chí của gia đình anh Nguyễn Tấn Công ở xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng và an toàn. Và để nâng cao năng suất, chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế cho các sản phẩm hàng hóa, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chọn cho mình hướng đi mới phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh gắn với khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng đất.

Gia Lai: Hợp tác xã nông nghiệp -  Đòn bẩy giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm ảnh 1Các sản phẩm OCOP 4 sao tiêu hữu cơ Lệ Chí của gia đình anh Nguyễn Tấn Công ở xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Nâng cao giá trị sản phẩm

Gia Lai hiện có 260 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong tổng số 290 hợp tác xã. Cụ thể, các hợp tác xã đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng và an toàn. Các sản phẩm sau khi cung ứng ra thị trường đều đã được đăng ký nhãn hiệu OCOP từ 3-4 sao đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường, từ đó giá trị kinh tế mang lại cho các thành viên tham gia hợp tác xã được nâng lên.

Điển hình là Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang ( tại xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa) với 110 thành viên tham gia canh tác 80 ha tiêu và 120 ha cà phê. Nhờ mạnh dạn định hướng cho các thành viên trồng theo phương pháp hữu cơ hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, Hợp tác xã Nam Yang đã sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao đưa ra thị trường với thương hiệu Tiêu Lệ Chí được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Đặc biệt, bộ 3 sản phẩm tiêu đỏ, tiêu sọ và tiêu đen Lệ Chí của Hợp tác xã Nam Yang là sản phẩm tiêu biểu được công nhận đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, Châu Âu và đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2019.

Anh Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang chia sẻ, định hướng canh tác bền vững mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân là mục tiêu của hợp tác xã hướng đến. Do đó, hiện nay, chúng tôi đang có trong tay những vườn cây được chứng nhận hữu cơ. Trong kế hoạch năm 2021 này, chúng tôi sẽ hoàn thành nhà máy và liên kết sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như tiêu, cà phê, từ đó giá trị mang lại sẽ tăng cao từ 20-30%, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con thành viên.

Chủ động tìm hướng phát triển mới nhằm khai thác lợi thế của vùng đất trọng điểm lúa Phú Thiện trù phú, đó là Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) đang thực hiện. Với hơn 100 thành viên, hợp tác xã đã tập trung vận động nông dân quy hoạch các vùng lúa chuyên canh thực hiện mô hình “ Cánh đồng lớn một giống” trên diện tích 120 ha với 3 giống lúa chất lượng cao gồm: LH12, G002, TPR25 gắn với thương hiệu đặc sản “Gạo Phú Thiện”. Nhờ đó, năm 2020, 3 sản phẩm gạo (của 3 giống lúa LH12, G002, TPR25) của hợp tác xã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Với mục tiêu sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai đã liên kết với nông dân trên địa bàn xã Ia Ake cung ứng từ giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đến kỹ thuật làm đất, gieo trồng, thu hoạch hoàn toàn bằng cơ giới và đảm bảo bao tiêu sản phẩm cao hơn so với mức giá của tư thương.

Bà Trần Thị Phúc trú ở thôn Tân Yên 1, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện chia sẻ: "Trước kia, khi chưa tham gia thành viên Hợp tác xã Chư A Thai, tôi chỉ biết canh tác giống lúa nếp trôi nổi trên thị trường nên hiệu quả không cao. Từ khi là thành viên hợp tác xã, tôi rất quan tâm đến giống lúa LH12 và nhận được nhiều ưu đãi từ việc mua lúa giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Chỉ tính riêng năm ngoái, khi canh tác giống lúa LH12, tôi thấy lợi nhuận tăng hơn so với giống lúa nếp bình thường từ 1,5 triệu – 2 triệu đồng/sào. Hiện, gia đình tôi đang có 5 sào giống lúa LH12 và sẽ tiếp tục liên kết với hợp tác xã".

Ông Phạm Ngọc Nghĩa, Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai đánh giá, đến thời điểm này, hợp tác xã đã ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị với người nông dân. Hiện, hợp tác xã đã đưa sản phẩm thương hiệu “Gạo Phú Thiện” đến với người tiêu dùng thông qua nhiều điểm bán hàng trong và ngoài tỉnh và được thị trường rất ưa chuộng. Thông qua việc liên kết, người nông dân hiện được hưởng lợi rất lớn từ khâu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được cung ứng toàn bộ không tính lãi và sản phẩm làm ra được bao tiêu với mức giá ổn định cao hơn tư thương bên ngoài.

Năng động tìm hướng phát triển mới

Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ nông sản. Để hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, các hợp tác xã đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương án sản xuất, kinh doanh theo hướng chú trọng nâng cao năng lực nội tại, năng động tìm hướng phát triển mới đáp ứng nhu cầu thị trường cần. Hiện, 236 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giải quyết việc làm cho gần 1.200 lao động với doanh thu ước đạt gần 37 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Gia Lai cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phát triển hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2021-2026, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương đánh lại giá hiệu quả của các hợp tác xã, trên cơ sở đó tập trung thí điểm từ 3-5 hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Theo đó, sẽ tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị máy móc, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và thực hiện đăng ký sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ của các hợp tác xã.

Phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả cạnh tranh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực địa phương, đồng thời là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp là mô hình mà các hợp tác xã đã và đang tiến tới. Đây sẽ là tiền đề để nông dân Gia Lai khi tham gia vào thành viên hợp tác xã sẽ yên tâm sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng trên thị trường tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế -xã hội vùng nông thôn.

Nguyễn Hoài Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm