OCOP - thúc đẩy chuỗi giá trị địa phương

Dầu lạc đỏ Thái Sơn, lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn của Hợp tác xã Thái Sơn (Yên Bái) được các khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Việt Dũng – TTXVN
Dầu lạc đỏ Thái Sơn, lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn của Hợp tác xã Thái Sơn (Yên Bái) được các khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Việt Dũng – TTXVN

Sau 2 năm triển khai trên phạm vi toàn quốc, đến nay Chương trình OCOP đã có những kết quả vượt bậc về số lượng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng, thúc đẩy chuỗi giá trị địa phương. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Phát huy nội lực, gia tăng giá trị

Với quan điểm phát triển kinh tế nông thôn là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa...) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu của Chương trình OCOP là nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm. Theo đó, đến hết năm 2020 có khoảng 2.400 sản phẩm đạt OCOP với khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia; định hướng đến năm 2030 có khoảng 4.800 sản phẩm đạt OCOP với sự tham gia của 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã.

Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả vượt bậc về số lượng; mẫu mã, chất lượng sản phẩm, từng bước được khẳng định, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng. Qua đó, phát huy được lợi thế của địa phương, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn phát triển.

Theo tổng hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, tính đến ngày 12/10/2020, cả nước đã có 47 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, xếp hạng, công nhận cho tổng số 2.088 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Riêng khu vực phía Bắc đã có 21/25 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, xếp hạng, công nhận cho tổng số 1.156 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm này tập trung vào lĩnh vực thực phẩm, đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; nhóm lưu niệm-nội thất-trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn và làng bản văn hóa gắn liền với du lịch. Ước tính, đến hết năm 2020, cả nước có 3.843 sản phẩm được chuẩn hóa OCOP (vượt gần 1,6 lần so với mục tiêu 2.400 sản phẩm).

Mỗi khu vực có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu khác biệt lại tạo ra những sản phẩm truyền thống, đặc trưng, lợi thế độc đáo khác nhau. Điển hình như tại tỉnh Quảng Ninh - một trong những tỉnh tiên phong triển khai Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh đã có gần 450 sản phẩm tham gia và được xếp hạng từ 3-5 sao trên cơ sở đánh giá loạt các tiêu chí về nguồn gốc, quy trình sản xuất, chất lượng, vệ sinh; trong đó, có trên 80% sản phẩm đã được dán tem điện tử và mã số mã vạch. Nhiều sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, dược phẩm, dịch vụ mang thương hiệu OCOP Quảng Ninh bắt đầu có tên trên thị trường trong nước. Có những sản phẩm đã xây dựng cho mình thương hiệu chất lượng cao và bền vững, điển hình như gà Tiên Yên...

Hay như tỉnh Hòa Bình, có 27 sản phẩm của 21 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP, điển hình là: chuối Viba, cam cao cấp, cá lăng đen và cá rô phi sông Đà... Tỉnh Yên Bái cũng có 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Một số sản phẩm đặc sản mang tính bản địa cao như: trà Tuyết Sơn, trà táo mèo Shan Thịnh (huyện Văn Chấn); bưởi Đại Minh (Yên Bình); miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái); mật ong tự nhiên Mù Cang Chải… Các sản phẩm OCOP đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân địa phương, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh miền núi Tây Bắc. Tỉnh Sóc Trăng, cũng đã công nhận 99 sản phẩm OCOP của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, với nhiều đặc sản, sản phẩm chất lượng cao, như: các loại gạo đặc sản ST, hành tím Vĩnh Châu, bánh Pía, lạp xưởng, trái cây các loại (bưởi, xoài, sầu riêng, nhãn, vú sữa, dừa, cam)…

OCOP - thúc đẩy chuỗi giá trị địa phương ảnh 1Dầu lạc đỏ Thái Sơn, lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn của Hợp tác xã Thái Sơn (Yên Bái) được các khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Việt Dũng – TTXVN

Sau khi được đánh giá xếp hạng, nhiều sản phẩm đã được các đơn vị phân phối, bán lẻ, thương mại điện tử ký hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn, doanh thu bán sản phẩm của các nhóm sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng đều tăng đáng kể.

Đáng chú ý, hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ Chương trình OCOP diễn ra sôi nổi khắp cả nước từ trung ương đến địa phương. Nhiều địa phương đã thực hiện mở các trung tâm, điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP theo tiêu chí quy định của Bộ Công Thương tại Quyết định 920/QĐ-BCT ngày 16/4/2019 như: Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên… đã tạo nên hiệu ứng tích cực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Nâng cao giá trị, hướng đến xuất khẩu

Mặc dù Chương trình OCOP mang lại những tín hiệu tích cực giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhưng hiện nay một số địa phương vẫn chưa xác định được dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường; mô hình sản xuất kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao; chế biến sản phẩm còn ở dạng thô, thiếu sự liên kết; người dân chưa phát triển sản phẩm truyền thống theo hướng hàng hóa; việc chuẩn hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, thị trường chưa được coi trọng.

Ở một số địa phương, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tư vấn khách hàng để nắm được thông tin, chất lượng và những lợi ích mang lại khi tiêu dùng các sản phẩm OCOP chưa chuyên nghiệp, bài bản; còn qua nhiều trung gian, tiếp cận thị trường chưa tốt; sản phẩm OCOP ít được đưa vào các kênh phân phối lớn.

Do đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu, nguồn hàng chất lượng, thường xuyên, ổn định để thu hút được nguồn vốn lớn đầu tư cho chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm là giải pháp căn cơ, toàn diện trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu.

Theo đó, các địa phương cần tập trung chỉ đạo điểm tạo bước đột phá ngay từ nhóm sản phẩm đầu tiên. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm; trong đó, tăng cường hướng dẫn, hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc... đảm bảo theo quy định.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng thanh tra chất lượng OCOP thường xuyên. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, tuân thủ nghiêm túc chu trình OCOP thường niên, sản xuất đi vào chiều sâu, tăng cường tiếp thị tổng hợp mở rộng thị trường, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Minh Duyên (tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm