Thu hoạch lúa tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN |
Có được kết quả khích lệ này, huyện Phú Thiện đã khuyến cáo người nông dân lựa chọn và canh tác các loại giống lúa thuần chất lượng cao như: LH12, TBR25, OM4900, Đài Thơm 8, ML48, lúa nếp 87, 97… đã được khảo nghiệm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Ngoài ra, các giải pháp dinh dưỡng tối ưu, tăng năng suất cây trồng cũng được các doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp hỗ trợ và đồng hành cùng bà con thông qua các mô hình đã được khảo nghiệm thực tiễn. Theo các nhà nông nơi đây, với năng suất và giá lúa hiện tại, mỗi ha thu lãi khoảng 25 triệu đồng. Ông Ksor Jun, trú tại làng Glung, xã Ia Ake vui mừng chia sẻ, năm nay nhờ có sự hỗ trợ về kỹ thuật chăm bón phân của Công ty cổ phần Tiến Nông nên hơn 2 sào lúa của gia đình cho năng suất rất cao gấp đôi vụ trước. Gia đình rất phấn khởi và sẽ tiếp tục sử dụng phân bón của Công ty cổ phần Tiến Nông để được hiệu quả hơn.
Thu hoạch lúa tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN |
Giám đốc Công ty cổ phần Tiến Nông Gia Lai, ông Cao Văn Quang cho biết, nhiều năm qua, đơn vị đã cung cấp giải pháp dinh dưỡng cho nền nông nghiệp cả nước, trong đó có tỉnh Gia Lai. Đối với cây lúa ở vùng trọng điểm Phú Thiện, Tiến Nông đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp dinh dưỡng hiệu quả thông qua các mô hình trình diễn, giúp giảm chi phí đầu tư phân bón và tăng năng suất cây trồng. Việc địa phương thử nghiệm thành công và đưa vào canh tác nhiều bộ giống lúa thuần chủng chất lượng cao, chống chịu được sâu bệnh hại chính là nền tảng bước đầu để tạo dựng nên một thương hiệu gạo Phú Thiện đặc trưng trên bản đồ lúa gạo của cả nước. Ông Mai Ngọc Quý, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện chia sẻ, để bảo đảm năng suất gắn với chất lượng của cây lúa, hàng năm, địa phương đã liên kết với rất nhiều công ty giống cây trồng đưa về các bộ giống mới khảo nghiệm trên địa bàn nhằm tổng kết, đánh giá mức độ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từ đó nhân rộng cho bà con. Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh các giải pháp về kỹ thuật như áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng” theo hướng VietGAP, để dần nâng cao chất lượng cũng như năng suất cây lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn cũng như toàn khu vực. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, ông Đoàn Ngọc Có, năm nay tỉnh Gia Lai được mùa lúa ở các huyện phía Đông Nam, tập trung chủ yếu ở vùng trọng điểm lúa Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Để có được kết quả này, ngành nông nghiệp của tỉnh đã phối hợp với các công ty cung cấp giống cây trồng tuyển chọn các giống lúa năng suất, chất lượng cao, kháng được các loại sâu bệnh đưa vào cơ cấu canh tác trong vụ Đông Xuân 2019 – 2020. Nhờ đó, năng suất lúa vụ này đạt khá cao, bình quân chung cả tỉnh đạt trên 6 tấn/ha, đặc biệt vùng lúa chủ lực năng suất đạt từ 7 – 7,5 tấn/ha, cá biệt một số diện tích đạt hơn 10 tấn/ha.
Những bông lúa vàng trĩu hạt, mang đến vụ mùa bội thu tại vựa lúa Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN |
“Về việc xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện, tỉnh cũng đã gắn với nhà máy chế biến gạo công suất 6 tấn/giờ của Công ty cổ phần chế biến Tây Nguyên. Nhà máy này hiện nay đang được xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Nếu nhà máy đi vào hoạt động sẽ là tiền đề xây dựng chuỗi sản xuất khép kín trong lộ trình xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện của tỉnh”, ông Có cho biết thêm. Về vựa lúa Phú Thiện những ngày này, đâu đâu cũng bạt ngàn một màu vàng óng của lúa chín. Những người nông dân đang rộn ràng, vội vã thu hoạch thành quả trên các cánh đồng chù phú. Đặc biệt, thành quả này không thể không kể đến việc chính thức được bảo hộ thương hiệu vào cuối năm 2019. Đây chính cơ hội quan trọng để phát triển thương hiệu gạo Phú Thiện.
Nguyễn Hoài Nam