Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đang xây dựng, phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng cao.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thành phố Thái Nguyên hơn 10.827 ha, cây trồng chính như chè, rau, cây ăn quả, hoa. Trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đang dần hình thành một số vùng chuyên canh, như vùng chè đặc sản Tân Cương nổi tiếng đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại 6 xã là Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Quyết Thắng, Thịnh Đức, Phúc Hà có diện tích cây chè hơn 1.400 ha, năng suất bình quân đạt 150 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 20.300 tấn.
Vùng trồng hoa ứng dụng công nghệ cao như lan hồ điệp, hoa lily, hoa đồng tiền nuôi cấy mô… tại phường Túc Duyên, Gia Sàng, Đồng Bẩm, và một số xã Huống Thượng, Thịnh Đức, Linh Sơn, Tích Lương,… hiện tại diện tích trồng hoa toàn thành phố đạt trên 60 ha; trong đó có khoảng 30 ha sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao.
Vùng sản xuất cây ăn quả chất lượng cao tại các xã Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Liên,… năm 2019, nhãn hiệu tập thể “Ổi Linh Nham” đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Hội nông dân xã Linh Sơn. Vùng sản xuất rau tại phường Đồng Bẩm, Túc Duyên, và các xã Thịnh Đức, Đồng Liên, Huống Thượng.
Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên cho biết, việc xây dựng, phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong những năm qua đã góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của nông dân chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao giá trị gia tăng. Điều này góp phần đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 20% trở lên so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của thành phố.
Hiện tại, một số cây trồng chủ lực của thành phố đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Trong số đó, cây chè cho doanh thu trung bình đạt 1 tỷ đồng/ha/năm; các loại cây ăn quả (ổi, táo...) giá trị sản xuất trung bình đạt gần 1 tỷ đồng/ha/năm; sản lượng rau 40 nghìn tấn. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt đạt 140 triệu đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, hướng tới phát triển thương hiệu quốc gia, quốc tế đối với một số sản phẩm nông sản chủ lực.
Thành phố phấn đấu đến năm 2025, xây dựng và hình thành vùng sản xuất chè tập trung ứng dụng công nghệ cao tại vùng chè đặc sản Tân Cương 600 ha; xây dựng và hình thành khu vực sản xuất rau, hoa cây cảnh tập trung ứng dụng công nghệ cao 200 ha; phát triển, hình thành khu vực sản xuất cây ăn quả tập trung ứng dụng công nghệ cao 100 ha.
Đặc biệt, hình thành được các chuỗi cung ứng sản phẩm góp phần gắn kết sản phẩm từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 30% trở lên so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của thành phố.
Để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nông hộ liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, thành phố Thái Nguyên xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Theo đó, thành phố thực hiện hỗ trợ 40% giá vật tư, thiết bị làm nhà vòm, hệ thống tưới phun tự động, giống cây trồng chất lượng cao; hỗ trợ 100% kinh phí cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ 40% chi phí đầu tư phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học trong sản xuất cây ăn quả hữu cơ trong 3 năm và hỗ trợ tem điện tử xác thực nguồn gốc hàng hóa.
Trần Trang