Sản phẩm OCOP là động lực xây dựng nông thôn mới ở Phú Lương

Huyện Phú Lương tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh diễn ra vào cuối tháng 12-2021. Ảnh: baothainguyen.vn
Huyện Phú Lương tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh diễn ra vào cuối tháng 12-2021. Ảnh: baothainguyen.vn

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Thái Nguyên, tiềm năng kinh tế chủ yếu là phát triển nông lâm nghiệp nhưng hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn ở Phú Lương chỉ còn dưới 6%, 11/13 xã được công nhận xã nông thôn mới, số tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt 18,3% tiêu chí/xã.

Sản phẩm OCOP là động lực xây dựng nông thôn mới ở Phú Lương ảnh 1Huyện Phú Lương tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh diễn ra vào cuối tháng 12-2021. Ảnh: baothainguyen.vn

Huyện phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023 và trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025 với 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 45 xóm đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu...

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết, để tạo bước chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, ngoài việc bố trí nguồn lực hỗ trợ xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, hợp tác xã, liên kết sản xuất, tổ chức sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển ngành nghề mới…

Phú Lương đặc biệt coi trọng đến việc vận động, hỗ trợ hộ sản xuất, doanh nghiệp và hợp tác xã tích cực tham gia sản xuất sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 11 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên; trong đó, có 4 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao gồm: sản phẩm trà tôm nõn, trà túi lọc của Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh), trà tôm nõn đặc biệt của Hợp tác xã nông nghiệp thương mại - dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 (xã Phú Đô), nõn tâm trà Hoan Xuyến của Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến (xã Vô Tranh).

Ngoài ra, một số sản phẩm OCOP khác cũng được thị trường khu vực phía Bắc ưa chuộng như: mật ong rừng Phú Lương của Hợp tác xã nông sản và ong mật Tam Hợp Phú Lương (xã Ôn Lương), gạo nếp vải Ôn Lương của Hợp tác xã nông sản nếp vải xã Ôn Lương, bánh chưng truyền thống Bờ Đậu của Hợp tác xã truyền thống bánh chưng Bờ Đậu (xã Cổ Lũng)…

Việc sản xuất các sản phẩm OCOP hình thành phương thức sản xuất hàng hóa theo liên kết chuỗi, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản địa phương, tạo ra động lực trong xây dựng nông thôn mới...

Cũng từ sản xuất sản phẩm theo chương trình OCOP, Phú Lương đã cấp mã QR trên 100 sản phẩm nông sản thế mạnh để truy xuất nguồn gốc nông sản. Nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã đã cài đặt phần mềm, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm cho người lao động và đưa sản phẩm nông sản ngày càng vươn xa, điển hình như Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc, Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến, Hợp tác xã bánh chưng truyền thống Bờ Đậu....

Việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử: Vỏ Sò, Postmart, Lazada, Shopee... góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến đã làm "thay da đổi thịt" nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm, tạo ra hướng đi mới trong quảng bá giới thiệu sản phẩm của người nông dân Phú Lương, giúp bà con chủ động giới thiệu sản phẩm, tạo đầu ra, chịu trách nhiệm và gây dựng uy tín cho chính sản phẩm của mình....

Bà Đồng Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất trà An Thái, xã Tức Tranh chia sẻ: Từ khi UBND huyện triển khai Chương trình OCOP tới người dân, chúng tôi đã được tập huấn, học hỏi kinh nghiệm, thúc đẩy chất lượng và quảng bá các sản phẩm đặc thù của địa phương đến người tiêu dùng, sản phẩm trà của hợp tác xã đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Qua đó, giúp cho người làm chè từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của mình, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết, hợp tác trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu lớn, sạch, đáp ứng nhu cầu chế biến và cung ứng sản phẩm ra thị trường...

Trong thời gian tới, Phú Lương tiếp tục triển khai thi đua “Phát triển sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - an toàn - bền vững” gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển dịch vụ, hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ gắn sản xuất với thị trường, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của nông dân khu vực nông thôn đạt 60 triệu đồng/người/năm vào năm 2025.

Huyện đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đưa toàn bộ các sản phẩm OCOP chất lượng của huyện trên các sàn thương mại điện tử… Đây chính là các giải pháp phù hợp, sáng tạo để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu qủa cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm