Nằm cách trung tâm xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên gần 2,5 km, xóm Ao Cống là địa phương đầu tiên của tỉnh vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều thành tích trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2005-2010. Phát huy giá trị đã đạt được, trong 23 năm qua, xóm liên tiếp giữ vững danh hiệu “Làng Văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh”, được nhiều địa phương khác học tập.
Ao Cống trở thành điểm sáng xây dựng NTM của Thái Nguyên. Ảnh: nongnghiep.vn
Ao Cống hiện có trên 100 hộ dân, trong đó chiếm phần lớn là người dân tộc Sán Chay. Ông Bế Quang Hòa, Trưởng xóm Ao Cống chia sẻ: Trước đây, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn bởi những phong tục lạc hậu, rườm rà... người dân không thiết tha với các phong trào của xóm. Năm 1998, khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai xuống cơ sở, cùng với sự vận động của các cấp chính quyền, bà con trong xóm đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa thiết thực của phong trào là tiến tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh”. Xuất phát từ nhận thức trên, xóm đã tổ chức những cuộc họp bàn với nhân dân xây dựng quy chế làm việc, chương trình kế hoạch hành động cho từng giai đoạn, dần đưa vào cuộc sống và trở thành “đầu tàu” trong phong trào.
Bí quyết được ông Trần Quốc Hoa, Bí thư Chi bộ xóm Ao Cống chia sẻ chính là xóm đã xác định xoá đói giảm nghèo là chương trình trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xóm đã vận động bà con tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi. Nhiều người đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cây chè được xác định là “cây mũi nhọn”, là nguồn thu nhập chủ lực phục vụ thiết thực cho đời sống người dân trong xóm bởi 100% các hộ đều trồng chè, hiện tổng diện tích cả xóm trên 43 ha chè, trong đó có tới 80% diện tích chè cành giống mới, cho năng suất cao gồm: LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Thúy Ngọc… năng suất đạt 110 tấn búp tươi/ha. Với giá bán bình quân 150.000 đồng/kg, cây chè đã mang lại giá trị không hề nhỏ cho người dân miền núi Ao Cống.
Ông Nguyễn Văn Huệ là một trong những hộ có diện tích chè nhiều trong xóm với khoảng 2 ha, mỗi năm cho thu hái từ 7 đến 8 lứa chè, mỗi lứa được khoảng 15 đến 17 tạ chè búp khô. Từ chè, gia đình ông Huệ thu nhập trên dưới 500 triệu đồng/năm. Nguồn thu từ chè khá ổn định và rải đều trong cả năm, nên người dân luôn chú trọng đầu tư, chăm sóc cho cây chè. Ao Cống được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Bằng công nhận Làng nghề chè truyền thống từ năm 2016. Việc tiêu thụ sản phẩm chè cũng được người dân nhanh nhạy, linh hoạt đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Do vậy, sản phẩm chè của Ao Cống ngày càng được người tiêu dùng biết đến và đánh giá cao về chất lượng. Từ một làng quê nghèo, đến nay, nhiều gia đình ở Ao Cống đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm từ chè.
Điểm nổi bật nữa phải nói đến ở Ao Cống chính là tinh thần đoàn kết giữ vững an ninh trật tự của người dân. Xóm hiện không có người nghiện, không có tình trạng trộm cắp. Đặc biệt, xóm còn thành lập một đội tuần tra thường xuyên trực gác trong những ngày lễ, tết, ngày hội làng… Đến với Ao Cống, ai cũng có một cảm giác thật bình yên. Người dân trong xóm còn bảo nhau giữ gìn môi trường sống trong lành thông qua phong trào “5 không 3 sạch”.
Kinh tế phát triển kéo theo đời sống văn hóa tinh thần đi lên, việc vận động người dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa cũng thuận lợi hơn. Đặc biệt, đảng viên trong xóm luôn là nòng cốt tiên phong trong mọi hoạt động, nhất là các phong trào đóng góp làm đường, xây dựng kênh mương, hệ thống thủy lợi... Người dân ngày càng phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Tỷ lệ hộ dân ở Ao Cống đạt danh hiệu Gia đình văn hóa hằng năm đều đạt gần 100%.
“Điều trân trọng nhất ở Ao Cống chính là tình làng được giữ vững, nghĩa xóm được bền chặt. Thành quả của xóm có được hôm nay chính là công sức của toàn thể bà con nhân dân trong xóm”, ông Trần Quốc Hoa, Bí thư Chi bộ xóm Ao Cống chia sẻ.
Thu Hằng