Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chè Thái Nguyên được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chè Thái Nguyên được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Ngày 27/10, tại Thái Nguyên, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo “Các giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè Thái Nguyên đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”. Hội thảo có sự tham gia của các Hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè; các sở, ngành liên quan.

Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chè Thái Nguyên được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ảnh 1Xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên có thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên thuận lợi nên vùng chè nơi đây có hương vị thơm ngon đặc trưng không nơi nào có được. Ảnh: TTXVN

Sau hơn 20 năm triển khai 4 đề án về phục hồi và phát triển cây chè, ngành chè Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả trong sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ngành chè Việt Nam.

Đến nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt khoảng 22.649 ha, sản lượng đạt 244.502 tấn. Giá trị sản xuất chè năm 2020 đạt 5.580 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Giá trị sản phẩm thu được bình quân 1 ha chè đạt 270 triệu đồng/ha.

Hiện toàn tỉnh có 1 thương hiệu địa phương dưới hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý "chè Tân Cương"; 7 thương hiệu dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm: “chè Thái Nguyên”, “chè La Bằng”, “chè Trại Cài”, “chè Vô Tranh”, “chè Tức Tranh”, “chè Đại Từ‘ và nhãn hiệu tập thể “chè Phổ Yên”.

Đặc biệt, nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” đã được tỉnh Thái Nguyên đăng ký bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga và đang tiếp tục thực hiện các thủ tục đăng ký tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thị trường trong nước đang là thế mạnh của chè Thái Nguyên, đạt gần 40.000 tấn, với giá tiêu thụ trong nước hiện đang ở mức 120.000 - 220.000 đồng/kg chè thành phẩm đối với sản phẩm loại trung bình; từ 280.000 - 450.000 đồng/kg chè xanh đặc sản; chè đặc sản cao cấp có giá 2.500.000 - 3.000.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu rất thấp, dao động từ 1,7 - 2 USD/kg và hầu hết mới ở dạng nguyên liệu thô.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi các vấn đề như nguyên nhân làm cho giá trị gia tăng của sản phẩm chè Thái Nguyên còn thấp; đánh giá những yếu tố tác động đến giá trị gia tăng của sản phẩm chè; những khó khăn, thách thức, giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè Thái Nguyên trong những năm tiếp theo, nhằm đưa chè là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương trong giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Vỵ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017- 2020 tỉnh đã có riêng Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên”, tuy nhiên giá trị gia tăng vẫn được đánh giá thấp.

Để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, giảm giá thành nguyên liệu, nâng cao quy trình quản lý kinh doanh và thúc đẩy quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, ngành chè cần quan tâm mở rộng quy mô sản xuất và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên cho biết, các chính sách hỗ trợ phát triển chè giai đoạn 2021- 2030 của tỉnh Thái Nguyên đều hướng tới mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chè phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế phát triển chè.

Tuy nhiên, tỉnh cần có thêm giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ người sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè trong điều kiện vừa sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch COVID-19, nhất là trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp làm đứt gẫy các khâu trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè làm cho giá vận chuyển cao, sản phẩm khó tiêu thụ, bảo quản, lưu kho kéo dài làm giảm chất lượng và gia tăng giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, tỉnh cần có các giải pháp cụ thể cho việc xuất khẩu chè, khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi, đáp ứng các yêu cầu chất lượng sản phẩm của bạn hàng quốc tế, các tiêu chuẩn hữu cơ từng quốc gia, khu vực.

Đặc biệt, ngành chè cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã số vùng trồng, tiêu thụ sản phẩm chè trên các trang thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Trần Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm