Mặc dù chè Thái Nguyên đã chinh phục biết bao người sành chè bởi hương thơm đậm vị nhưng câu chuyện xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này vẫn là điều trăn trở của các nhà doanh nghiệp, người trồng chè, người tiêu dùng và nhà khoa học, nhất là trong thời điểm Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng.
Tháng 8/2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên được giao là chủ sở hữu. Đây cũng là sản phẩm đặc thù đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Năm 2018, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được đăng ký bảo hộ thành công tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Sau đó, một loạt nhãn hiệu của các vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như chè La Bằng, chè Trại Cài, chè Vô Tranh, chè Tức Tranh... đã được bảo hộ góp phần nâng cao giá trị và thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường với các sản phẩm chè Thái Nguyên.
Bà Phạm Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết: Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Do vậy, việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” tại các thị trường có tiềm năng xuất khẩu là một đòi hỏi cần thiết của thực tế”.
Tháng 3/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Với quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan liên quan, sau hơn 3 năm thẩm định hồ sơ, nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên đã được cơ quan sở hữu trí tuệ của 3 quốc gia trên cấp văn bằng bảo hộ.
Như vậy, đến thời điểm này, nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên đã chính thức được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Điều này khẳng định uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên, đồng thời là điều kiện thuận lợi để đưa sản phẩm chè Thái Nguyên đến với thế giới, góp phần nâng cao vị thế của chè Thái Nguyên.
Nhận định về vấn đề này, ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị chè an toàn Khe Cốc (huyện Phú Lương) cho biết, việc chè Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại các thị trường quốc tế có thể ví như một “bà đỡ” giúp doanh nghiệp chè thuận lợi hơn trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè của mình gia nhập thị trường mới. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị để đa dạng hóa các sản phẩm chè, từ đó đưa ra nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu của mỗi nước.
Thái Nguyên là tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước với 22,7 nghìn ha, sản lượng đạt trên 244,5 nghìn tấn. Sản phẩm chè Thái Nguyên được chế biến bằng phương pháp truyền thống bán cơ giới và công nghiệp. Sản phẩm chè Thái Nguyên đã có mặt trên thị trường 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số nước trên thế giới. Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1 ha chè đạt 270 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, thị trường trong nước đang là thế mạnh của chè Thái Nguyên, đạt gần 40 nghìn tấn với giá tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định, hiện đang ở mức từ 120-220 nghìn đồng/kg chè thành phẩm loại trung bình; từ 280-450 nghìn đồng/kg chè xanh đặc sản; chè đặc sản cao cấp có giá từ 2,5-3 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, khó khăn của ngành chè Thái Nguyên hiện nay là diện tích chè an toàn, chè hữu cơ rất ít, tỷ lệ chứng nhận chất lượng an toàn VietGAP mới đạt gần 10% tổng diện tích.
Ngoài ra, việc liên kết giữa các tác nhân liên quan đến chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè chưa chặt chẽ, chủ yếu vẫn là người trồng chè tự chế biến và tiêu thụ, số đơn vị, doanh nghiệp có liên kết với người trồng chè chưa nhiều, chưa tạo được sản lượng lớn sản phẩm chè chế biến chất lượng cao.
Mặc dù được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới nhưng chủ yếu là chè nguyên liệu với giá bình quân chỉ bằng 60% so với giá bán trên thị trường thế giới, dùng để đấu trộn với các loại chè khác hoặc để chiết xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên, để giúp các doanh nghiệp chè Thái Nguyên tiếp cận và xuất khẩu sản phẩm chè sang thị trường các nước đã được bảo hộ, điều kiện cần thiết là phải kiểm soát được vùng nguyên liệu, kiểm soát quá trình canh tác và thu hái.
Bên cạnh đó, phải từng bước thực hiện số hóa trong quản lý sản xuất và thực hiện cấp mã số vùng trồng để giám sát nghiêm ngặt quy trình sản xuất và minh bạch trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài ra, phải đảm bảo các tiêu chuẩn cho chè xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường hoặc đối tác. Cụ thể là cần nghiên cứu các tiêu chuẩn chính được áp dụng trong ngành như ISO, hữu cơ, các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn về bền vững và trách nhiệm xã hội như RFA, UTZ, Fair Trade…
Hơn nữa, các doanh nghiệp chè phải luôn cải tiến, hoàn thiện nhà xưởng và công nghệ theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật, từng bước đầu tư, ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại, tự động hóa để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm chè.
Tỉnh Thái Nguyên cũng đang tiến hành xây dựng chứng nhận mã số vùng trồng cho 17 vùng sản xuất với sự tham gia của 238 hộ, ở 16 hợp tác xã và 1 công ty, với tổng diện tích hơn 108ha, chủ yêu là chè.
Theo ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên: Xây dựng mã số vùng trồng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao giá trị, chất lượng, thương hiệu sản phẩm cây trồng, phục vụ tốt cho việc nội tiêu và xuất khẩu đối với nhóm cây trồng chủ lực của Thái Nguyên; trong đó, chủ yếu là cây chè.
Bởi vậy, khi được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm chè của Thái Nguyên sẽ được nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng chè khi có các đơn hàng xuất khẩu.
Thu Hằng