Đồng Tháp khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Ngày 12/6, tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Cục trồng trọt và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức Lễ khởi động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp) và triển khai thực hiện mô hình thí điểm đề án tại tỉnh Đồng Tháp.

vna_potal_khoi_dong_de_an_1_trieu_ha_chuyen_canh_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_tai_dong_thap_7426710.jpg
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp nhằm hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững. Từ đó, giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết: Đồng Tháp là một trong 5 tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thực hiện thí điểm Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

vna_potal_khoi_dong_de_an_1_trieu_ha_chuyen_canh_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_tai_dong_thap_7426709.jpg
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Đồng Tháp thực hiện mô hình mẫu của Quốc gia với diện tích 50ha tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười), đảm bảo nghiêm ngặt những tiêu chuẩn, tiêu chí của đề án về hạ tầng, quy trình canh tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ, giảm phát thải.

Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho hay, Đồng Tháp phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tham gia Đề án của toàn tỉnh trong năm 2024 đạt khoảng 20.000 ha, chủ yếu trên địa bàn các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười và thành phố Hồng Ngự. Đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích lên 50.000ha và đến năm 2030 là 161.000 ha.

vna_potal_khoi_dong_de_an_1_trieu_ha_chuyen_canh_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_tai_dong_thap_7426707.jpg
Các đại biểu và nông dân xem trình diễn ứng dụng cơ giới hóa trong khâu sạ lúa tại Ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Đến năm 2030, Đề án hướng tới mục tiêu, đối với diện tích lúa tham gia Đề án, lượng lúa giống gieo sạ giảm còn dưới 70 kg/ha; lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%; 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng hoặc cày vùi và sử dụng vi sinh phân hủy rơm rạ để bổ sung dinh dưỡng trả lại cho đất; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%; trong đó, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%…

vna_potal_khoi_dong_de_an_1_trieu_ha_chuyen_canh_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_tai_dong_thap_7426704.jpg
Thiết bị sạ cụm và bón phân vùi được sử dụng trên cánh đồng ở Ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Theo ông Lê Văn Chấn, có 24 hộ với 50ha lúa trong Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Tháp Mười) tham gia thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Mô hình điểm này sẽ áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 145/QĐ-TT-CLT ngày 27/3/2024 của Cục Trồng trọt; thí điểm đánh giá lượng carbon làm cơ sở để chi trả trong việc thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

vna_potal_khoi_dong_de_an_1_trieu_ha_chuyen_canh_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_tai_dong_thap_7426708.jpg
Lúa giống gieo sạ thành cụm bằng máy giúp giảm công lao động. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Sản xuất lúa gạo là ngành hàng chính, chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Diện tích sản xuất lúa mỗi năm của tỉnh dao động khoảng 480.000 - 500.000 ha, sản lượng ước tính trên 3,3 triệu tấn. Đồng Tháp là một trong 4 tỉnh có diện tích canh tác lúa lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có những điều kiện thuận lợi để bố trí mùa vụ, áp dụng kỹ thuật sản xuất tiến bộ.

Trong khuôn khổ chương trình lễ khởi động, lãnh đạo cơ quan chuyên môn, hợp tác xã và doanh nghiệp ký kết thỏa ước nguyên tắc hợp tác trong thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng Tháp. Các đại biểu và nông dân được xem trình diễn ứng dụng cơ giới hóa sạ hàng và sạ cụm khí động học tại cánh đồng thuộc Ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười.

vna_potal_khoi_dong_de_an_1_trieu_ha_chuyen_canh_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_tai_dong_thap_7426703.jpg
Cơ quan nhà nước, hợp tác xã và doanh nghiệp ký kết thỏa ước nguyên tắc hợp tác trong thực hiện Đề án. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Nhựt An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm