Đón văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước”. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN |
Theo các nhà chuyên môn đánh giá, "Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam" sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý, cắt giảm các chi phí sản xuất trung hạn và cơ hội tăng thu nhập qua tiếp cận một thị trường phân khúc hóa; giúp người tiêu dùng kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, tăng cường hoạt động truyền thông thương mại. Khi hạt điều Bình Phước khẳng định được danh tiếng của mình thì không chỉ doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều tăng lợi nhuận mà cả các doanh nghiệp chế tạo và sản xuất máy móc phục vụ cho chế biến hạt điều cũng như người nông dân trồng điều sẽ yên tâm mở rộng sản xuất để đảm bảo cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho nhu cầu đẩy mạnh sản xuất và chế biến nhân điều xuất khẩu. Trong khi đó, theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước, vấn đề sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ để bảo vệ giá trị của sản phẩm và còn là động lực cho quá trình phát triển thương mại bền vững. Do đó, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt điều Bình Phước trở thành một hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ quan trọng, mang lại nhiều giá trị thiết thực, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu về quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc của thị trường xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Thị Hằng nhấn mạnh: Là tỉnh được coi “thủ phủ” ngành điều Việt Nam, diện tích trồng điều của Bình Phước là hơn 134.000 ha. Trồng điều và chế biến điều đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là sinh kế của hàng ngàn hộ nông dân và người lao động. Hạt điều Bình Phước nổi tiếng bởi hương vị và chất lượng thơm ngon nhất so với điều trên thế giới. Qua 3 năm triển khai dự án, Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” ở Bình Phước sử dụng nguồn vốn ODA thông qua Cơ quan phát triển Pháp và Cơ quan kinh tế - Đại sứ quán Pháp tài trợ. Đây là điều kiện thuận lợi để điều Bình Phước mở ra triển vọng mới nhằm nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh, khẳng định chất lượng và thương hiệu hạt điều trên thị trường thế giới.
Hoạt động ký kết giao thương chế biến xuất khẩu hạt điều Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN |
Hiện ngành sản xuất – chế biến hạt điều tỉnh Bình Phước đạt kim ngạch xuất khẩu mỗi năm hơn 500 triệu USD, chiếm 1/3 tổng kinh ngạch xuất khẩu của tỉnh, đóng góp gần 25% GDP trong tổng ngành nông nghiệp. Ngành điều Bình Phước đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 50.000 lao động. Hiện có hơn 200 doanh nghiệp và 400 cơ sở chế biến, góp phần ổn định cuộc sống cho 71.612 hộ trồng điều trên tổng số 187.881 hộ nông dân trong tỉnh.
Dương Chí Tưởng