Định Hóa nâng cao chất lượng rừng

Định Hóa nâng cao chất lượng rừng

Là địa phương có tiềm năng về phát triển lâm nghiệp, hiện nay, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 30.200 ha; trong đó, đất rừng đặc dụng trên 7.500 ha, đất rừng phòng hộ gần 9.000 ha và trên 13.700 ha đất rừng sản xuất.

Định Hóa nâng cao chất lượng rừng ảnh 1Một góc rừng quế thuộc xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, huyện Định Hóa phấn đấu nâng cao chất lượng rừng. Theo đó, huyện phấn đấu ổn định độ che phủ rừng từ 59% trở lên; giá trị sản phẩm gỗ lớn trên một chu kỳ sản xuất đối với cây sinh trưởng nhanh đạt 225 triệu đồng/ha/chu kỳ; đối với cây sinh trưởng chậm đạt 430 triệu đồng/ha/chu kỳ; giá trị sản phẩm gỗ nhỏ là 75 triệu đồng/ha/chu kỳ; tạo việc làm, ổn định sinh kế người dân làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số...

Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, huyện Định Hóa đang tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp sát với điều kiện thực tế, tiêu chí 3 loại rừng, đảm bảo hài hòa giữa quản lý bảo vệ với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất, đưa vào quy hoạch tỉnh, tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Huyện quản lý việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, truy quét, phòng chống cháy rừng, nhằm ngăn chặn, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp...

Huyện gắn kết giữa bảo tồn và phát triển với sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong quản lý rừng, xây dựng các mô hình gắn kết cộng đồng địa phương tham gia vào quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; triển khai thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng... Trong giai đoạn mới, huyện Định Hóa chú trọng nâng cao chất lượng rừng và hiệu quả kinh tế rừng theo chức năng của từng loại rừng.

Đối với rừng phòng hộ, huyện thực hiện cơ chế hỗ trợ người dân trồng 1.000 ha rừng hỗn giao cây quế và cây bản địa để nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tiến hành trồng thay thế loài cây mọc nhanh như cây keo bằng loài cây bản địa, cây đa tác dụng có giá trị như lim, lát, quế... đảm bảo chức năng phòng hộ, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường.

Đối với rừng sản xuất, huyện trồng mới 3.100 ha; trong đó, trồng rừng gỗ lớn 200 ha và trồng quế 2.900 ha, trồng 1,2 triệu cây xanh phân tán. Việc trồng rừng sản xuất song song với nâng cao năng suất, chất lượng, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Huyện chú trọng hình thành vùng trồng quế tập trung, chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn 800 ha...

Trong phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, Định Hóa khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến lâm sản nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ; đồng thời giảm cơ sở chế biến quy mô nhỏ, thủ công; thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm quế với công suất khoảng 30.000 tấn sản phẩm/năm...

Theo ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, để phát triển lâm nghiệp bền vững, trong giai đoạn mới, cùng với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nông nghiệp, huyện tăng cường công tác khuyến lâm, ứng dụng mô hình nông lâm kết hợp như: trồng cây dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng, gắn tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng, chăm sóc rừng đảm bảo quy trình, đủ điều kiện cấp chứng chỉ rừng bền vững...

Huyện cũng hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị, phát huy vai trò của doanh nghiệp làm động lực trong sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp có đủ khả năng đầu tư theo chuỗi khép kín vào ngành lâm nghiệp và hỗ trợ, dẫn dắt người dân sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ trong chế biến gỗ...

Huyện thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, huy động tối đa các nguồn lực, đa dạng nguồn vốn trong đầu tư phát triển lâm nghiệp, đẩy mạnh các nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, trồng rừng thay thế, từng bước tham gia vào thị trường carbon quốc gia... để tăng nguồn thu bảo vệ rừng.

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm