Định danh cho sản phẩm sầu riêng Krông Pắc

Một điểm thu mua sầu riêng tại huyện Krông Pắc. Ảnh: daklak24h.com.vn
Một điểm thu mua sầu riêng tại huyện Krông Pắc. Ảnh: daklak24h.com.vn

Những năm gần đây, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu xuống thấp thì cây sầu riêng lại khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội, mang lại nguồn thu lớn cho nhiều nông hộ tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Hiện nay, huyện Krông Pắc đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để nâng cao hơn nữa giá trị của trái sầu riêng.

Định danh cho sản phẩm sầu riêng Krông Pắc ảnh 1Một điểm thu mua sầu riêng tại huyện Krông Pắc. Ảnh: daklak24h.com.vn

Từ "kép phụ" thành "kép chính"

Huyện Krông Pắc được xem là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk, với diện tích khoảng 3.000ha; trong đó gần 1.270ha đã cho thu hoạch, với sản lượng trên 30 nghìn tấn. Sầu riêng được trồng nhiều ở các xã Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc, Hòa Đông.

Ngày trước, sầu riêng thường được các nông hộ trồng xen trong vườn cà phê nhưng thời gian gần đây bà con có xu hướng chuyển sang trồng thuần. Sầu riêng Dona và Ri6 là hai loại giống được bà con lựa chọn trồng nhiều nhất. Khoảng gần chục năm trở lại đây, với giá bán bình quân ở mức thấp nhất khoảng 40 nghìn đồng/kg, mỗi năm sầu riêng cũng đem lại nguồn thu cho huyện Krông Pắc cả nghìn tỷ đồng.

Gia đình ông Y Khiêm Niê, ở buôn Yung 2, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc có gần 80 cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê đang trong kỳ thu hoạch. Vụ này ước sản lượng được khoảng hơn 14 tấn. Với giá bán thấp nhất là 40 nghìn đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình ông cũng "đút túi" vài trăm triệu đồng. Đó là chưa kể thu nhập từ cây cà phê vào cuối năm.

Ông Y Khiêm cho biết, ông là công nhân của Nông trường cà phê Phước An (nay là Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Phước An) nên được nhận hơn 1 ha đất giao khoán để trồng cà phê. Từ năm 2004, theo chủ trương của nông trường, gia đình ông bắt đầu trồng xen giống sầu riêng Dona vào vườn cà phê mục đích vừa để tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất vừa làm cây che bóng cho cây cà phê.

Ở thời điểm đó, giá cà phê còn cao nên nhiều hộ nghi ngờ hiệu quả kinh tế của sầu riêng nên lén chặt bỏ, hoặc chăm sóc cầm chừng. Không ngờ khoảng gần 10 năm trở lại đây, giá sầu riêng tăng cao, ổn định đem lại thu nhập tốt nên bà con lại đổ xô trồng.

"Đến nay, chính cây trồng phụ này lại trở thành nguồn thu tốt cho gia đình. So với cây cà phê – vốn là cây trồng truyền thống, chủ lực thì hiệu quả kinh tế của sầu riêng cao hơn gấp khoảng 4 lần, trong khi đó công chăm sóc, vật tư nông nghiệp lại ít hơn rất nhiều", ông Y Khiêm phấn khởi cho biết.

Không chỉ là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, mà huyện Krông Pắc còn có những giống sầu riêng được xem là "đặc sản", hương vị thơm, ngon không vùng trồng nào sánh bằng.

Ông Lê Minh Tâm, chủ vựa thu mua sầu riêng Minh Tâm – vựa thu mua sầu riêng lớn nhất nhì huyện Krông Pắc cho biết gia đình anh từ tỉnh Tiền Giang lên thu mua sầu riêng đã được gần 20 năm. Những năm gần đây, mỗi vụ anh thu mua được khoảng 7.000 tấn sầu riêng để xuất đi các thị trường.

Bằng kinh nghiệm của người thu mua sầu riêng lâu năm và qua đánh giá của khách hàng, ông Tâm cho biết giống sầu riêng Dona (cơm vàng, hạt lép) được trồng ở vùng Krông Pắc được xem là ngon nhất Việt Nam. Khách hàng rất chuộng sầu riêng Dona bởi múi đều, cơm vàng, dày, thơm, vị ngọt thanh. Hơn nữa, mùa vụ thu hoạch sầu riêng Dona thường muộn hơn so với các loại khác nên bán rất được giá.

Tuy nhiên, hiện nay, do chưa có thương hiệu và chưa được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc – thị trường tiêu thụ lớn nhất nên giá trị của trái sầu riêng chưa thực sự cao.

"Nếu trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch thì giá bán thấp nhất phải từ 70 nghìn đồng/kg, chứ không phải là 40 đến 55 nghìn đồng/kg như hiện nay. Khi đó, bà con nông dân sẽ được hưởng lợi rất lớn", ông Tâm nói.

Định danh cho sản phẩm sầu riêng Krông Pắc

Tuy cây sầu riêng đã khẳng định được hiệu quả kinh tế nhưng ngay cả chính quyền và bà con nông dân vẫn trăn trở vì đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, giá cả thu mua hằng năm bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái. Vì vậy, chính quyền, doanh nghiệp, bà con nông dân huyện Krông Pắc đang nỗ lực để "định danh" cho sản phẩm sầu riêng.

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến cho biết, trong cơ cấu kinh tế của huyện, nông nghiệp chiếm hơn 50% giá trị sản lượng. Những năm gần đây, giá cả nhiều mặt hàng nông sản truyền thống như cà phê, hồ tiêu... xuống thấp, dịch bệnh trên cây trồng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, thu nhập của người dân. Tuy nhiên, bù lại nhiều nông hộ trong huyện vẫn có thu nhập ổn định từ vườn cây ăn trái, đặc biệt là cây sâu riêng.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế là tập trung ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đổi mới tổ chức sản xuất, liên kết nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, an toàn, bền vững; có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu.

Đối với cây sầu riêng, huyện có khoảng 3.000 ha, với sản lượng thu hái hàng chục nghìn tấn mỗi năm. Đầu ra của sản phẩm sầu riêng hiện nay chủ yếu do các thương lái thu mua đưa đi tiêu thụ ở các địa phương trong nước và xuất đi tiểu ngạch ở một số nước nên giá trị còn thấp. Huyện đề nghị với tỉnh và các bộ, ngành liên quan của Trung ương thúc đẩy việc đàm phán với Trung Quốc – thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam để sớm xuất khẩu được theo đường chính nghạch nhằm nâng cao giá trị cho trái sầu riêng.

Nắm bắt được các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu các loại nông sản, trong đó có sản phẩm sầu riêng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, các nông hộ tại huyện Krông Pắc đã chủ động "đi tắt đón đầu" tìm hiểu các quy định, sản xuất theo tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh toàn thực phẩm, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Krông Pắk cho biết: Hiện nay, hợp tác xã đã và đang hướng dẫn các xã viên thực hiện việc sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP; thu thập thông tin, mã hóa thông tin vườn cây để làm truy xuất nguồn gốc cho trái sầu riêng.

Đồng thời liên hệ với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cung cấp mã số vùng trồng cho vườn sầu riêng của xã viên hợp tác xã. Đến nay, đã có 200 héc ta sầu riêng của xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Krông Pắk được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 400 ha được cấp mã số vùng trồng.

"Đã có nhiều đoàn đến tìm hiểu, thẩm định và khẳng định sản phẩm sầu riêng trái của hợp tác xã đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu chính ngạch. Hợp tác xã cũng là đơn vị duy nhất được huyện lựa chọn làm đơn vị xuất khẩu thí điểm trái sầu riêng vào thị trường Trung Quốc nếu hai nước đàm phán thành công", ông Tuấn cho biết.

Gần 3 năm nay, được sự vận động của ngành nông nghiệp cũng như sự hướng dẫn của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Krông Pắk, gia đình bà Hoàng Thị Mùi, thôn Phước Thành, xã Ea Yông đã thực hiện chăm sóc vườn sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Quá trình chăm sóc vườn cây đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ hợp tác xã. Bà Mùi tự tin cho biết sản phẩm sầu riêng của gia đình có thể đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính.

"Người nông dân chúng tôi đã làm ra được trái sầu riêng sạch, giờ chỉ mong nhà nước sớm hoàn thành đàm phán với các thị trường lớn để được xuất khẩu chính nghạch nhằm nâng cao hơn nữa giá trị quả sầu riêng", bà Mùi nói.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, xác định cây sầu riêng là sản phẩm cây ăn trái chủ lực, những năm qua huyện Krông Pắc đã có nhiều chính sách để phát triển bền vững loại cây trồng này.

Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo về quy trình trồng, chăm sóc cây sầu riêng cho các hộ trồng sầu riêng trên địa bàn. Phối hợp với Công ty TNHH Thương mại Truyền thông KENIT; Công ty cổ phần giám định Cà phê và Hàng hóa xuất nhập khẩu CAFECONTROL tiến hành đánh giá, chứng nhận VietGAP, tem truy xuất nguồn gốc cho Hợp tác xã và các nông hộ sản xuất sản phẩm sầu riêng trên địa bàn 2 xã Ea Kênh và Ea Yông (với diện tích 400 ha, 359 nông hộ).

Cùng đó, huyện cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư như: tổ chức Hội chợ thương mại nông sản Krông Pắc 2019 với chủ đề "Krông Pắc sầu riêng vào mùa 2019"; lập hồ sơ đưa sầu riêng trở thành sản OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).

"Thông qua mời gọi, xúc tiến đã có một nhà đầu tư chủ trương xây dựng nhà máy chế biến trái cây khoảng 300 tỷ đồng tại huyện. Hiện nay, huyện đang nỗ lực tạo quỹ đất sạch để bàn giao cho họ triển khai. Nếu nhà máy được xây dựng thì nhiều sản phẩm trái cây; trong đó có sầu riêng sẽ được chế biến sâu", bà Trinh kỳ vọng.

Anh Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm