Những tháng đầu năm 2020, tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai có xu hướng gia tăng trở lại sau thời gian giảm mạnh, chủ yếu diễn ra tại một số địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Đây là một vấn nạn nhức nhối cần có sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị nhằm đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ hủ tục lạc hậu này.
Tỉnh Lào Cai đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức ký cam kết với ông mai, bà mối, thầy mo, thầy cúng, các thôn, bản không xem ngày cưới cho các cặp nam - nữ chưa đủ tuổi kết hôn, không hôn nhân cận huyết thống. Tỉnh xây dựng, phát huy hiệu quả 5 mô hình điểm về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn, huyện Bắc Hà, huyện Si Ma Cai.
Các cấp, các ngành còn xây dựng nhiều mô hình điểm như: “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; các Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Không cưới tảo hôn”, Diễn đàn “Thanh niên với vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên”; Đội tuyên truyền “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước ngăn chặn tập tục lạc hậu này trên địa bàn.
Tuy vậy, qua tổ chức kiểm tra, nắm tình hình tại các huyện Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa, Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai nhận định, tình hình tảo hôn vẫn gia tăng mặc dù đã được các cấp, các ngành phối hợp ngăn chặn, vận động song vẫn có nhiều vụ việc chưa được xử lý kịp thời. Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 246 trường hợp tảo hôn, tăng 79 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài việc bố mẹ đi làm ăn xa không ai ở nhà chăm sóc, nguyên nhân chủ yếu được xác định là dịp nghỉ Tết và nghỉ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, nhiều trưởng hợp cố tình đến ở với nhau…
Theo ông Nông Đức Ngọc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, việc cải tạo, loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu nói chung, loại bỏ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nói riêng ra khỏi đời sống xã hội vùng dân tộc thiểu số chưa đạt được hiệu quả cao có nguyên nhân rất quan trọng là do sự can thiệp thiếu mạnh mẽ, thiếu kiên quyết từ phía chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở. Thực tế cho thấy, cán bộ thực thi pháp luật ở cơ sở còn ngại va chạm với loại hình vi phạm này, chủ yếu tập trung vào việc xử phạt hành chính và không cho đăng ký kết hôn. Khi các trường hợp cố tình đến ở với nhau, chính quyền lại thụ động, lúng túng, không giải quyết triệt để… Ngoài ra, một số xã chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chưa thực hiện quyết liệt, triển khai còn qua loa, hình thức, hiệu quả thấp.
Bên cạnh đó, trình độ nhận thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, các hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế. Việc kết hôn chủ yếu vẫn thực hiện theo phong tục tập quán lạc hậu. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình đã được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, tuy nhiên công tác tuyên truyền ở cơ sở chưa được tổ chức thường xuyên nên việc đưa thông tin pháp luật đến với vùng đồng bào còn hạn chế.
Cùng với đó, vấn đề kinh phí để thực hiện các đề án, kế hoạch, chương trình... về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một thách thức. Trước thực này, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 30/10/2017 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị số 33 của Tỉnh ủy Lào Cai, đến nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo và triển khai thực hiện gắn với Quyết định 498/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025". Tuy vậy, đến thời điểm này, kinh phí thực hiện Đề án 498, Chỉ thị số 33-CT/TU vẫn chưa được cấp. Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai đang đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm bố trí kinh phí cho các xã và Phòng Dân tộc để tổ chức triển khai thực hiện các đề án, chỉ thị này trong thời gian sớm nhất.
Thời gian tới, các cấp, các ngành tỉnh Lào Cai đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các trường học tiếp tục đưa nội dung giáo dục giới tính, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống lồng ghép vào các môn học. Các cấp chính quyền địa phương thường xuyên nắm tình hình để kịp thời ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.
Hương Thu