Đắk Nông tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, công chức cấp xã

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn vừa ký kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách theo Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 16/1//2014 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020 (gọi tắt là Đề án 124) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Dak Nong tap trung dao tao, nang cao nang luc can bo, cong chuc cap xa hinh anh 1Cán bộ nguồn tham gia các chương trình bồi dưỡng. Ảnh: daknong.gov.vn

Theo đó, từ nay đến hết năm 2020, tỉnh Đắk Nông tập trung triển khai các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước cho công chức cấp xã; bồi dưỡng tiếng dân tộc cho công chức người Kinh đang công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bon và các đơn vị hành chính tương đương.

Theo kế hoạch, Sở Nội vụ Đắk Nông được phân bổ gần 4,4 tỷ đồng để mở các lớp đào tạo cho khoảng 1.300 học viên, tập trung vào các nội dung về công tác quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức cấp xã; bí thư, trưởng các thôn, bon và các đơn vị hành chính tương đương; trưởng ban công tác mặt trận thôn, bon và các đơn vị hành chính tương đương. Bên cạnh đó, UBND 6 huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh (gồm huyện Tuy Đức, Cư Jút, Đắk G’Long, Krông Nô, Đắk Mil và Đắk R’Lấp) được phân bổ hơn 2 tỷ đồng để tổ chức 6 lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho gần 300 các bộ, công chức cấp xã.

Theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Nông, 2 mục tiêu trọng tâm của chương trình là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đủ tiêu chuẩn theo quy định; đủ trình độ, bản lĩnh lãnh đạo, quản lý, và thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ. Cụ thể, tỉnh xác định đến hết năm 2020, có ít nhất 95% công chức cấp xã đạt trình độ từ trung cấp trở lên; 85% cán bộ chuyên trách đạt trình độ từ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 85% cán bộ người Kinh công tác tại các vùng dân tộc thiểu số thông thạo thứ tiếng tại địa bàn công tác; 80% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý Nhà nước, kiến thức quốc phòng – an ninh, và tin học văn phòng.

Hưng Thịnh

Tin liên quan

Giúp cán bộ, công chức hiểu hơn văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Chăm

Nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức hiểu được tiếng nói, chữ viết và những kiến thức cần thiết về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Chăm, từ tháng 8/2019, tỉnh Ninh Thuận đã mở lớp đào tạo tiếng Chăm cho 50 học viên là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống. Qua đó, cán bộ công chức được nâng cao kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, tạo thuận lợi trong giao tiếp, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào vùng dân tộc, miền núi.


Cần Thơ bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ công chức, viên chức

Thực hiện Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/ 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức, từ tháng 7/2019, UBND thành phố Cần Thơ triển khai Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2025” trên địa bàn.


Ninh Thuận tăng cường đào tạo tiếng dân tộc Raglai cho công chức, viên chức

Xác định vai trò quan trọng của việc sử dụng ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số trong giao tiếp và thực thi nhiệm vụ, tỉnh Ninh Thuận đã biên soạn tài liệu và mở lớp đào tạo tiếng dân tộc Raglai cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Raglai sinh sống.



Đề xuất