Lớp đào tạo tiếng dân tộc Chăm cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, giảng viên đứng lớp đều là người Chăm đang công tác tại các đơn vị giáo dục, Sở ngành, đã về hưu có nghiệp vụ sư phạm, trình độ chuyên môn cao. Tài liệu giảng dạy do UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành với thời lượng dạy và học trong 450 tiết được thiết kế với 10 chủ đề bằng song ngữ Chăm - Việt gồm: Gia đình - dòng tộc; làng xã; đất nước - quốc gia - quốc tế; làng Chăm ơn Đảng và Bác Hồ; thiên nhiên - môi trường; lao động - sản xuất; khoa học - giáo dục; chăm sóc sức khỏe; bảo vệ Tổ quốc; văn hóa - pháp luật.
Tham gia lớp học, ông Trần Xuân Phong, Bí thư Đảng ủy xã An Hải, huyện Ninh Hải cho biết: Công việc ở địa phương rất bận nhưng ông cố gắng sắp xếp để tham gia lớp đào tạo tiếng Chăm. Lần lần đầu học, các học viên còn bỡ ngỡ. Được các thầy, cô truyền đạt kiến thức rất nhiệt tình, các học viên cố gắng học tập, nắm bắt những kiến thức về tiếng nói, chữ viết, văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Chăm để về địa phương áp dụng trong công việc chuyên môn được tốt hơn.
Cùng với mục đích hiểu được tiếng nói, chữ viết của đồng bào Chăm, bà Bùi Thị Lam, công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, nội dung chương trình đào tạo tiếng Chăm rất đa dạng, phong phú, sát với thực tế. Những kiến thức về ngôn ngữ, chữ viết, đời sống, văn hóa của đồng bào Chăm được đưa vào giảng dạy rất bổ ích giúp cho học viên có thể hiểu, trao đổi trực tiếp bằng tiếng Chăm để tạo sự thấu hiểu, gần gũi, xây dựng mối quan hệ với bà con ngày càng chặt chẽ hơn.
Thầy giáo Lộ Minh Trại, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục - dân tộc (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận) cho biết: Lớp học đa số là cán bộ, viên chức đang công tác tại các địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống nhưng chưa biết nhiều về tiếng Chăm. Thông qua chương trình đào tạo khá toàn diện với 10 chủ đề, các học viên sẽ được trang bị các thông tin liên quan đến ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa Chăm. Với sự quyết tâm học hỏi, sau khi hoàn thành khóa học, các học viên có thể giao tiếp bằng tiếng Chăm để phục vụ tốt cho công việc.
Vượt qua bài kiểm tra cuối khóa về các kỹ năng nghe hiểu, hội thoại, viết, đọc hiểu, học viên được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo tiếng Chăm. Năm 2019, ngoài đào tạo tiếng Chăm, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục mở các lớp đào tạo tiếng dân tộc Raglai và một số tiếng dân tộc bản địa khác, tạo điều kiện cho các bộ, công chức, viên chức biết được tiếng nói, chữ viết để tiếp cận, hiểu biết hơn về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào.
Tỉnh Ninh Thuận hiện có khoảng 73.000 người là đồng bào dân tộc Chăm sinh sống tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Thuận Bắc và Bác Ái.
Nguyễn Thành