Chú trọng bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức

Chú trọng bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức
Ngày 24/10, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Đề án “Chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức theo 4 nhóm đối tượng”.
Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành liên quan như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công An, lãnh đạo một số Vụ thuộc Ủy ban Dân tộc, các nhà quản lý, nhà khoa học... Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng chủ trì hội thảo.
TS Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội thảo. Ảnh: Hoàng Tâm
TS Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội thảo. Ảnh: Hoàng Tâm 

Đề án được xây dựng nhằm bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số, kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức giúp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Phạm vi thực hiện tại 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện bảo đảm sát thực, tính khả thi cao, phù hợp với từng đối tượng nhằm thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số, kiến thức công tác dân tộc, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo dự thảo Đề án, Đối tượng thực hiện Đề án gồm các nhóm: Cán bộ, công chức lãnh đạo cấp tỉnh và tương đương; Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp Sở và tương đương; Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương; cán bộ, công chức viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo.
 
Thiếu tướng,TS Nguyễn Văn Ly - Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an đóng góp ý kiến xây dựng Đề án tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Tâm
Thiếu tướng,TS Nguyễn Văn Ly - Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an đóng góp ý kiến xây dựng Đề án tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Tâm 

Mục tiêu của Đề án đến năm 2020, tối thiểu 30% cán bộ, công chức, viên chức theo 4 nhóm đối tượng các tỉnh vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số; tối thiểu 40% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc chuyên trách của các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương được bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số. Đến năm 2025, 80% cán bộ, công chức, viên chức theo 4 nhóm đối tượng các tỉnh vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số; 80% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc chuyên trách của các Bộ, ban ngành, đoàn thể ở Trung ương được bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số. Hàng năm cập nhật kiến thức dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức theo 4 nhóm đối tượng các tỉnh vùng dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc chuyên trách của Bộ, ban ngành, đoàn thể ở Trung ương.

Các đại biểu tham dự hội thảo về cơ bản nhất trí với tính cấp thiết của Đề án, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến bổ sung và chỉnh sửa giúp cho Đề án được hoàn thiện hơn như: Nên có sự đồng bộ, thông suốt giữa các mục của Đề án, chú ý vấn đề kinh phí, xây dựng dự toán kinh phí cho hợp lý, đề nghị xem lại phân nhóm đối tượng, căn cứ tình hình thực tiễn cần làm rõ, bổ sung từng nhóm đối tượng; chương trình bồi dưỡng cần sát thực tiễn, có phương thức đào tạo mới mẻ, tăng cường kiến thức thực tiễn; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, tạo sức lan toả của Đề án… Nhiều đại biểu cũng góp ý về tên gọi của Đề án cần chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tiễn và tầm cỡ của Đề án.
 
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Tâm
 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Tâm

Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá cao sự cố gắng của Ban soạn thảo Đề án và cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến và tiếp tục hoàn thiện Đề án về bố cục, nội dung, hình thức thể hiện, xúc tích, rõ ràng, nêu bật được sự cần thiết, căn cứ thực tiễn, căn cứ pháp lý. Về đối tượng phải có những điều chỉnh để sát với thực tiễn. Chương trình học cần cân nhắc cho phù hợp, tùy từng chuyên đề, đối tượng để mời giảng viên phù hợp. Ban soạn thảo Đề án cần tập trung chỉnh sửa, bổ sung để Đề án được hoàn thiện, sớm được phê duyệt và đi vào thực hiện. 
                                                                                                                                                    Hoàng Tâm
(DTMN)

Có thể bạn quan tâm