Lớp đào tạo tiếng dân tộc Raglai cho các bộ, công chức, viên chức tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN |
Ninh Thuận hiện có trên 72.200 người là đồng bào dân tộc Raglai, sinh sống chủ yếu ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Hải và Thuận Nam. Người Raglai có kho tàng di sản văn hóa phong phú nhưng do nền văn hóa dân gian chủ yếu truyền miệng nên hiện nay còn rất ít người biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình. Để giúp cán bộ, công chức, viên chức hiểu được tiếng nói, chữ viết và những kiến thức cần thiết về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, từ tháng 12/2018 đến nay, tỉnh đã đào tạo cho 40 học viên là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Thạc sĩ Lê Nam Lữ, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý Đào tạo và Nghiên cứu khoa học - Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận (đơn vị bồi dưỡng, đào tạo tiếng Raglai) cho biết: Để đảm bảo chất lượng đào tạo, giảng viên đứng lớp là người Raglai có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, nhiều kinh nghiệm trong công tác, tài liệu giảng dạy đã được UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành, được thiết kế với 10 chủ đề, bao gồm 38 bài học bằng song ngữ Raglai - Việt dựa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với thời lượng học tập 450 tiết. Trong đó, 280 tiết lý thuyết, 170 tiết thực hành luyện nghe, nói và ôn tập kiểm tra cấp chứng chỉ.
Nội dung dạy học tiếng dân tộc Raglai bao gồm các kiến thức về ngữ âm, chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp, làm văn, luyện nghe, luyện nói. Nội dung bài học theo các chủ đề: Gia đình - dòng tộc; làng xã; thiên nhiên - môi trường; văn hóa dân tộc; đất nước - con người; Đảng và Bác Hồ; lao động - sản xuất; khoa học - giáo dục; chăm sóc sức khỏe; bảo vệ Tổ quốc. Kết thúc chủ đề, học viên đi thực tế tại các vùng có đông đồng bào dân tộc Raglai sinh sống để thực hành các kỹ năng giao tiếp cũng như tìm hiểu về đời sống văn hóa, xã hội của bà con.
Tham gia lớp học, chị Nguyễn Thị Thu Thủy công tác tại Ban Thanh tra huyện Bác Ái chia sẻ: Tôi công tác ở huyện Bác Ái hơn 10 năm. Trong công việc, tôi muốn có sự gần gũi với bà con, muốn thế phải biết và hiểu được tiếng nói để trao đổi. Sau khi tham gia lớp học giờ đây tôi có thể trực tiếp giao tiếp bằng tiếng Raglai với bà con.
Cũng với mục đích hiểu được tiếng nói của bà con Raglai để hoàn thành tốt công việc, anh Nguyễn Thành Lưu, công tác tại xã Phước Tân, huyện Bác Ái bộc bạch: Bên cạnh việc được đào tạo trên lớp, chúng tôi còn có dịp đi thực tế tới các hộ đồng bào dân tộc Raglai để thực hành giao tiếp. Trước đây, do không biết tiếng Raglai nên nội dung trao đổi bị hạn chế. Sau khi được đào tạo, việc giao tiếp với bà con trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Thầy giáo và học viên thực hành phần đọc - hiểu tiếng dân tộc Raglai Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN |
Thầy Chamaléa Huỳnh, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú, Trung học cơ sở Nguyễn Văn Linh huyện Bác Ái cho biết: Giáo viên cố gắng dạy những từ ngữ, cách phát âm sao cho dễ hiểu nhất, lớp học không yêu cầu học viên phải đọc chính xác 100% ngữ điệu tiếng Raglai mà yêu cầu học viên sau khi hoàn thành khóa học có thể nói và hiểu được, phát âm tương đối giống ngữ điệu tiếng Raglai để bà con hiểu được. Từ đó, người học hiểu hơn về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào để phục vụ tốt cho công tác chuyên môn.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi, năm 2019, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục mở các lớp đào tạo tiếng dân tộc Raglai và một số tiếng dân tộc bản địa khác, tạo điều kiện cho các bộ, công chức, viên chức biết được tiếng nói, chữ viết của đồng bào để nâng cao hiệu quả công tác, nhất là cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực dân vận, tôn giáo, quản lý dân cư, an ninh - quốc phòng. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi.
Nguyễn Thành