Ngày 29/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024. Tham dự hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 23.500 tỷ đồng, thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho trên 84% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, tỷ lệ độ che phủ rừng (bao gồm cây cao su) đạt 38,03%... Phương hướng năm 2024, ngành tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, tăng cường năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Ông Nguyễn Hoài Dương cho biết thêm, năm 2004, ngành đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, thu hút doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực; phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất rừng…
Theo đánh giá tại hội nghị, năm 2023, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả ấn tượng và khá toàn diện. Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản ước đạt 22.398 tỷ đồng, tăng 4,88% so với năm 2022 và tăng trên 1,4 lần so với bình quân chung cả nước; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá hiện hành đạt trên 100.000 tỷ đồng, bằng 109.2% kế hoạch, tăng 13% so với năm 2022. Giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực như: cà phê, sầu riêng, lúa… tăng cao đã góp phần tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.
Đối với chăn nuôi, đàn gia súc và gia cầm được duy trì ổn định, với tổng đàn trên 15,5 triệu con, tăng hơn 700.000 con; sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 245.000 tấn, tăng 5.000 tấn so với năm 2022. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang từng bước được điều chỉnh theo hướng hiện đại, đa giá trị, phát huy lợi thế của mỗi địa phương gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Ngành nông nghiệp Đắk Lắk đang chuyển dần các chuỗi cung ứng sản xuất sang chuỗi cung ứng ngành hàng. Toàn tỉnh đã xây dựng được 112 dự án liên kết theo chuỗi giá trị; trong đó, có 9 chuỗi cấp tỉnh, 103 chuỗi cấp huyện. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng như: khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện, Khu tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk (huyện Cư M’Gar), Vùng nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao xã Ea Tân (huyện Krông Năng)...
Trồng rừng tập trung đạt 4.590,3 ha; đạt 252% kế hoạch năm, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; trồng cây phân tán đạt 383.734 cây, đạt 191,8 % kế hoạch. Tái cơ cấu ngành được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ cao, chuyển đổi số được chú trọng; hệ thống thủy lợi được đầu tư, phát triển theo hướng đa mục tiêu.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn biểu dương và đánh giá cao những thành tựu mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã đạt được trong năm 2023, đã tiếp tục khẳng định vai trò "bệ đỡ" cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh còn đối diện với những vấn đề tồn tại, thách thức như: tỷ lệ che phủ rừng thấp hơn kế hoạch đề ra, nguồn vốn kết cấu hạ tầng nông thôn còn hạn chế, công tác quản lý và bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, sản phẩm sản xuất theo chứng nhận còn hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung, lấy thị trường là tín hiệu và mệnh lệnh của quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thiên Văn, ngành nông nghiệp cần khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô trang trại khép kín, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả; kêu gọi các doanh nghiệp có nguồn lực lớn đầu tư các dự án sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích phát triển các hình thức nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần quyết liệt ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp; tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế…
Hoài Thu