Chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế tăng từ 2,5 - 4 lần ở Kiên Giang

Chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế tăng từ 2,5 - 4 lần ở Kiên Giang

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết: Qua khảo sát, đánh giá của đơn vị chuyên môn, hầu hết diện tích sau khi chuyển đổi sang mô hình trồng rau màu chuyên canh và luân canh lúa - màu các loại, bình quân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2,5 - 4 lần so với trước khi chuyển đổi.

Chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế tăng từ 2,5 - 4 lần ở Kiên Giang ảnh 1Xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng là địa phương trồng nhiều chuối nhất tỉnh Kiên Giang, với diện tích trên 1.700 ha. Ảnh: Văn Sĩ-TTXVN

Cùng đó, lợi nhuận tăng thêm từ mô hình mà nông dân chuyển đổi từ 15 - 25 triệu đồng/ha đối với mô hình luân canh và từ 35 - 45 triệu đồng/ha đối với mô hình chuyên canh. Riêng đối với chuyển đổi sang trồng cây ăn trái những năm trước đó đã cho sản phẩm thu hoạch, tăng thêm lợi nhuận 55 - 65 triệu đồng/ha cho nông dân. Tuy nhiên, vốn đầu tư cao hơn so với trồng lúa và thời gian khoảng 3 - 4 năm sau, nông dân mới bắt đầu thu hồi vốn.

Tiếp đến, đối với chuyển đổi từ chuyên trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản ở những khu vực có điều kiện môi trường sinh thái phù hợp giúp tăng thêm lợi nhuận bình quân 85 triệu đồng/ha/năm. Đây là mô hình kết hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững đang được tỉnh định hướng mở rộng sản xuất ở các huyện vùng U Minh Thượng và khu vực ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên. Tuy nhiên, mô hình này còn gặp khó khăn về tổ chức sản xuất liên kết doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ nông sản đầu ra đạt chuẩn chất lượng.

Chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế tăng từ 2,5 - 4 lần ở Kiên Giang ảnh 2Nông dân xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thu hoạch lúa Thu Đông Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Cùng với chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa, tỉnh tổ chức thực hiện cấp mã số vùng trồng nhằm minh bạch nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản và xây dựng thương hiệu nông sản địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã có 396 mã số vùng trồng; trong đó, có 165 mã số xuất khẩu được Cục Bảo vệ thực vật cấp từ năm 2022 và 231 mã số nội bộ, chờ cấp mã số xuất khẩu, với tổng diện tích hơn 12.122 ha cho 15 loại cây trồng cho các vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Chủ yếu là các thị trường EU, Trung Quốc, Singapore, Canada, Nga… gồm các loại cây trồng như lúa, bưởi, chuối, dừa, khóm, gừng, khoai lang, khoai môn, măng cụt, mít, sầu riêng, sim, xoài, tiêu, dưa lê... ; trong đó, vùng trồng lúa được cấp 302 mã số với tổng diện tích trên 6.043 ha phục vụ xuất khẩu các thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản.

Tiếp đến, cơ quan chuyên môn tỉnh thực hiện cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi thủy sản chủ lực, đến nay, đã chứng nhận cấp mã số cho 28.426/29.836 cơ sở, đạt 95,27% số cơ sở đủ điều kiện cấp mã số. Việc cấp mã số này, nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu, tăng giá trị kinh tế thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Đồng thời, giúp tỉnh đẩy nhanh số hóa vùng nuôi, kiểm soát chặt chẽ về diện tích, sản lượng dự kiến hàng năm để có những giải pháp chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phù hợp.

Năm 2024, tỉnh Kiên Giang tiếp tục thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa phù hợp với từng vùng sinh thái trên địa bàn, nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, sản xuất an toàn, bền vững và hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân.

Chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế tăng từ 2,5 - 4 lần ở Kiên Giang ảnh 3Nông dân xã Đông Hưng B, huyện An Minh (Kiên Giang) thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Văn Sĩ-TTXVN

Trong số đó, tỉnh tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - tôm ở những địa bàn có điều kiện, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó an toàn, hiệu quả với biến đổi khí hậu, tập trung chủ yếu ở các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành. Chú trọng các mô hình sản xuất như: Tôm - lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú, tôm - cua kết hợp đạt chuẩn chứng nhật VietGAP, hữu cơ và tăng thêm diện tích nuôi tôm càng xanh, cua biển trong mô hình nuôi kết hợp để tăng sản lượng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, năm 2023, tỉnh có 9 huyện, thành phố trong đất liền, gồm: An Biên, An Minh, Châu Thành, Hòn Đất, Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và thành phố Rạch Giá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Tổng diện tích thực hiện chuyển đổi hơn 6.850 ha, đạt 89,25% so với kế hoạch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao năm 2023. Theo đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm trên 1.220 ha, trồng cây lâu năm 369 ha và diện tích đất chuyên trồng lúa chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản hơn 5.260 ha.


Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm