Nông dân Kiên Giang "được mùa, trúng giá" lúa Hè Thu

Nông dân Kiên Giang "được mùa, trúng giá" lúa Hè Thu

Tính đến ngày 21/8, nông dân các địa phương ở tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch khoảng 200.000 ha lúa Hè Thu, đạt trên 75% diện tích gieo trồng. Vụ lúa được đánh giá là "được mùa, trúng giá", mang về lợi nhuận cho nông dân khoảng 1,3 - 1,7 triệu đồng/công (1.000m2), cao hơn so với vụ Hè Thu 2022 khoảng 500.000 đồng/công.

Nông dân Kiên Giang "được mùa, trúng giá" lúa Hè Thu ảnh 1Nông dân huyện Gò Quao (Kiên Giang) thu hoạch lúa Hè Thu. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Là một trong những địa phương gieo sạ lúa Hè Thu muộn hơn so với một số huyện ở Kiên Giang, những ngày gần đây, các cánh đồng lúa ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, không khí thu hoạch lúa của nông dân diễn ra tất bật và rộn ràng. Trên các cánh đồng, máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất. Dọc các tuyến kênh, ghe thu mua đậu chờ nông dân thu hoạch lúa để thu mua.

Ông Nguyễn Văn Bé, xã Thủy Liễu cho biết, vụ Hè Thu này, gia đình ông canh tác 26 công ruộng và đến nay đã thu hoạch dứt điểm các ruộng lúa. Ông Bé gieo cấy 2 giống lúa Đài thơm 8 và ST24, cả 2 giống lúa này đều được thương lái mua với giá cao nên mang về lợi nhuận khá cho gia đình.

"Lúa Đài thơm 8 tôi bán được 7.500 đồng/kg, còn ST24 bán 8.000 đồng/kg. Vụ này nhờ lúa có giá, chứ năng suất thì cũng tương đương vụ Hè Thu của mấy năm trước. Trừ chi phí rồi chắc tôi có lời khoảng 1,7 triệu đồng/công, lợi nhuận cao hơn vụ Hè Thu năm ngoái khoảng 600.000 đồng/công", ông Bé chia sẻ.

Còn theo nông dân Đoàn Văn Tạo, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, gần 30 năm làm ruộng, vụ Hè Thu năm nay là lần đầu tiên ông thấy lúa bán có giá cao nhất từ trước tới nay. Vụ lúa này, gia đình ông canh tác 22 công ruộng và cùng làm giống lúa OM 5451.

Trong số đó, có 8 công, ông gieo sạ sớm nên đã thu hoạch vào giữa tháng 7/2023, còn lại 14 công đúng lịch thời vụ vừa thu hoạch vào ngày 16/8. Do 8 công đầu thu hoạch sớm, lúc giá lúa chưa tăng cao, ông Tạo bán được giá 6.200 đồng/kg, còn 14 công mới thu hoạch gần đây bán được giá 7.000 đồng/kg.

"Năng suất lúa nhà tôi trung bình được 650 kg/công. Đợt đầu bán giá không cao nên lãi khoảng 1 triệu/công, còn đợt sau nhờ giá lúa tăng nên lãi nhiều hơn, khoảng 1,7 triệu đồng/công. Tôi mong giá lúa duy trì như hiện nay để cải thiện thu nhập cho người nông dân", ông Tạo bày tỏ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, vụ lúa Hè Thu 2023, toàn tỉnh xuống giống trên 277.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Hòn Đất, Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp, Châu Thành…

Nông dân các địa phương bắt đầu thu hoạch lúa từ giữa tháng 7/2023 và đến nay thu hoạch khoảng 200.000 ha, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm trong đầu tháng 9/2023. Năng suất lúa ước đạt gần 5,8 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 1,2 triệu tấn.

Theo ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiên Giang, diện tích lúa Hè Thu còn lại sẽ thu hoạch trong cuối tháng 8, đầu tháng 9 có nguy cơ ảnh hưởng do mưa nhiều kèm theo dông gió.

Để bảo vệ diện tích lúa Hè Thu còn lại, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cùng nông dân cần quan tâm huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết nắng ráo tiến hành thu hoạch nhanh, đúng thời điểm lúa chín (80-85% hạt có màu vàng rơm). Địa phương chú trọng đến việc tạo điều kiện tốt nhất để các ghe thu mua lúa vào thu mua lúa của nông dân ngay sau khi thu hoạch, không để tồn động lúa ngoài đồng.

Cùng với đó, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần thông tin kịp thời diễn biến thiên tai, áp thấp nhiệt đới, mưa bão đến người dân để chủ động trong sản xuất, chăm sóc và bảo quản lúa sau thu hoạch; chủ động kiểm tra, tu sửa đê bao, bờ bao chắc chắn để bảo vệ đồng lúa; nông dân thường xuyên thăm đồng để phòng trừ sâu bệnh và bơm tát nước kịp thời để bảo vệ, hạn chế đổ ngã cho các ruộng lúa.

Văn Sĩ


(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm