Khơi dậy tiềm năng du lịch đô thị ven biển Hà Tiên, Kiên Giang

Khơi dậy tiềm năng du lịch đô thị ven biển Hà Tiên, Kiên Giang

Là một trong 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Kiên Giang, thành phố Hà Tiên xác định thương mại - dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung đầu tư phát triển, trong đó du lịch là nền tảng, động lực chính để thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác phát triển.

* Nhiều tiềm năng về du lịch

Thành phố Hà Tiên là đô thị ven biển phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang, có lịch sử hình thành lâu đời, với nhiều bản sắc đặc trưng về văn hóa truyền thống, di sản thiên nhiên độc đáo, nổi tiếng của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể như: Quần đảo Hải tặc, đầm Đông Hồ, bán đảo Mũi Nai - Núi Đèn, các núi Tô Châu, Thạch Động, Đá Dựng, Pháo Đài, sông Đông Hồ, vịnh Bãi Nò, quần thể di tích Lăng Mạc Cửu gắn với các tác phẩm thơ ca và tập tục thờ cúng đình chùa, các công trình tôn giáo có kiến trúc - nghệ thuật tạo nên bản sắc văn hóa riêng của vùng đất Hà Tiên.

Khơi dậy tiềm năng du lịch đô thị ven biển Hà Tiên, Kiên Giang ảnh 1Một góc thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) nhìn từ phía biển. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Đường bờ biển Hà Tiên hình thành các bãi tắm đẹp như Mũi Nai, Núi Đèn, Thuận Yên, Bãi Nò, Tà Lu... và cụm quần đảo Hải tặc cách đất liền Hà Tiên và đảo ngọc Phú Quốc 30 phút di chuyển bằng tàu cao tốc, tạo nên một lợi thế du lịch, dịch vụ biển, đảo đặc trưng, hấp dẫn. Trên địa bàn thành phố có 10 di tích văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, văn hóa phi vật thể với các chuỗi lễ hội truyền thống như: Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các, lễ giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu, lễ giỗ Bà Mạc Mi Cô... tạo nên nét đặc thù văn hóa truyền thống cho vùng đất Hà Tiên.

Ngoài ra, thành phố nằm trong vùng sinh thái tự nhiên đặc biệt với hệ sinh thái biển đảo, ở quần đảo Hải tặc, vùng biển, ven biển; có hệ sinh thái ngập nước ở đầm Đông Hồ, sông Giang Thành, khu vực kênh Rạch Giá - Hà Tiên; hệ sinh thái núi đồi - rừng phòng hộ ở các núi Tô Châu, Tà Bang, Dùm Trua…; hệ sinh thái nông nghiệp nông thôn ở phường Mỹ Đức, xã Thuận Yên và không gian sinh thái đô thị với các phường Bình San, Tô Châu, Pháo Đài, Đông Hồ.

Thành phố Hà Tiên giáp với Vương quốc Campuchia, đường biên giới dài hơn 13 km. Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên thông thương với Cửa khẩu Prek Chak, rất thuận lợi trong việc phát triển kinh tế cửa khẩu. Đặc biệt, Hà Tiên có địa thế chiến lược, là địa điểm chuyển tiếp giao thương quốc tế với đường Xuyên Á, đường hành lang ven biển, Quốc lộ 80, Quốc lộ N1, kết nối vùng Nam Bộ với các nước bạn, có đường biển đi Phú Quốc và đến thành phố Kép, cảng Conpongxom, thành phố Sihanoukville (Vương quốc Campuchia), đến Thái Lan hay Malaysia.

Khơi dậy tiềm năng du lịch đô thị ven biển Hà Tiên, Kiên Giang ảnh 2Mô tô nước phục vụ du khách tại Khu du lịch Mũi Nai, thành phố Hà Tiên. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Từ những điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng với vị trí chiến lược và tiềm năng, lợi thế cho phép Hà Tiên phát triển mạnh mẽ lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch, nhất là kinh tế cửa khẩu. Theo đó, tại thành phố hiện có nhiều loại hình du lịch đặc trưng như: Du lịch tham quan di tích lịch sử, thắng cảnh, du lịch ẩm thực, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, lễ hội... Trong những năm qua, Hà Tiên thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước; lượng khách du lịch tăng nhanh từ hơn 437.200 lượt vào năm 1998 lên trên 2,57 triệu lượt năm 2018. Sáu tháng đầu năm 2023, thành phố đón hơn 1,7 triệu lượt du khách, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tiên Nguyễn Đức Chín cho biết, thành phố hướng đến mục tiêu năm 2040 phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế, giao thương, du lịch văn hóa - di sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Tiên chuyển hóa không gian chức năng, gắn phát triển đô thị với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển thị trường, thương mại, dịch vụ, du lịch trong nước và quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng liên kết vùng, xác lập vị thế là một điểm đến của ngành du lịch, tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố. Hà Tiên cũng quan tâm phát triển đô thị thông minh, xanh và bền vững, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tiện ích hiện đại, cảnh quan hấp dẫn…

* Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Hà Tiên cho biết, từ nay đến cuối năm, Hà Tiên tiếp tục thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến hoạt động thương mại du lịch, tăng cường ứng dụng, khai thác công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, cung cấp thông tin đến du khách; kêu gọi đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phát triển du lịch, phục hồi mạnh mẽ ngành du lịch.

Khơi dậy tiềm năng du lịch đô thị ven biển Hà Tiên, Kiên Giang ảnh 3Du khách vui chơi, tắm biển tại Bãi sau (Khu du lịch Mũi Nai, thành phố Hà Tiên). Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Hiện nay, thành phố Hà Tiên có 6 khu, điểm du lịch. Hạ tầng du lịch Hà Tiên được quan tâm đầu tư phát triển ngày càng đồng bộ. Các khu, điểm du lịch được chỉnh trang, thay đổi diện mạo để thu hút du khách, đặc biệt là Khu du lịch Mũi Nai với bãi biển cát trắng, cảnh quan đẹp ngày càng được nhiều du khách tìm đến. Thành phố được phê duyệt 7 dự án đầu tư lĩnh vực dịch vụ du lịch gồm: Khu nghỉ dưỡng Thương mại - dịch vụ - du lịch cao cấp Núi Đèn, Khu du lịch sinh thái đầm Đông Hồ, Khu Bungalow trên biển Núi Đèn, Khu du lịch Mũi Nai, Khu du lịch Bãi Tà Lu, Khu du lịch sinh thái biển thuộc Quần đảo Hải Tặc, Khu du lịch resort nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Bàng.

Hà Tiên tiếp tục quy hoạch lại các khu, điểm du lịch, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, nhằm kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp có khả năng tài chính đầu tư khai thác các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố như Thạch Động, Bãi Nò, Núi Đèn, Bãi Bàng, Mũi Nai, Tà Lu, đầm Đông Hồ… tạo thêm nhiều sản phẩm phục vụ du khách.

Khơi dậy tiềm năng du lịch đô thị ven biển Hà Tiên, Kiên Giang ảnh 4Đông đảo người dân địa phương và khách du lịch cùng xem biểu diễn thả diều tại Bãi sau Khu du lịch Mũi Nai, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). Lê Huy Hải – TTXVN

Theo lãnh đạo thành phố Hà Tiên, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố, trong đó có du lịch, Hà Tiên tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút nhà đầu tư; xác định đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối thành phố với các vùng lân cận là ưu tiên hàng đầu.

Thành phố Hà Tiên đã triển khai và đề xuất thực hiện nhiều dự án tạo động lực cho sự phát triển như: Nâng cấp mở rộng đường ra Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, đường Nguyễn Phúc Chu, đoạn từ Công viên tượng đài Mạc Cửu đến Công viên Mũi Tàu Mỹ Đức; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 80 đoạn từ nút giao thị trấn Ba Hòn, huyện Kiên Lương đến nút giao Quốc lộ N1, thành phố Hà Tiên; đề xuất đầu tư các dự án cao tốc Rạch Giá - Hà Tiên, đường trục chính ven biển vào trung tâm thành phố Hà Tiên, cầu Đông Hồ, nâng cấp mở rộng mặt đường tỉnh 972B (đường kênh xáng Rạch Giá - Hà Tiên) đảm bảo lưu thông, giảm tải cho Quốc lộ 80 từ thành phố Hà Tiên đi huyện Kiên Lương và ngược lại.

Hà Tiên cũng đẩy mạnh đầu tư các trục đường chính kết nối vào thành phố; nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông khu vực nội thành, tạo sự đồng bộ theo hướng hiện đại, liên hoàn, góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị, tạo cảnh quan khang trang kết hợp với các cảnh đẹp tự nhiên của vùng đất và con người vùng biên thùy Hà Tiên. Qua đó, tạo sức bật, thu hút nguồn lực đầu tư có hiệu quả các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, các khu dịch vụ thương mại sang trọng, đẳng cấp và phát triển hơn nữa về dịch vụ vận tải đường biển từ Hà Tiên đi Phú Quốc; kết nối giao thương trên bộ với các nước thông qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và tỉnh Kiên Giang.

Khơi dậy tiềm năng du lịch đô thị ven biển Hà Tiên, Kiên Giang ảnh 5Công ty Cổ phần tàu cao tốc Superdong Kiên Giang vừa khai trương tuyến tàu khách biển Hà Tiên - Nam Du (Kiên Hải), đem lại những trải  nghiệm thú vị cho du khách. Ảnh: TTXVN phát

Trong năm 2023, Hà Tiên tập trung các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ với tổng vốn khoảng 1.346 tỷ đồng. Thành phố chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, đẩy mạnh cải cách hành chính, vận dụng cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư…

Lãnh đạo thành phố Hà Tiên cũng chia sẻ, trong phát triển du lịch của địa phương còn nhiều khó khăn, bất cập cần tập trung khắc phục như: Nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng phát triển du lịch rất lớn nhưng nguồn lực của thành phố còn hạn chế; chất lượng các tuyến đường kết nối đến Hà Tiên chưa được cải thiện, là trở ngại lớn đối với việc thu hút du khách; hoạt động phục vụ du lịch chưa thật sự chuyên nghiệp; tình trạng ô nhiễm môi trường, xả rác bừa bãi vẫn đang diễn ra; du lịch Hà Tiên chưa khai thác tương xứng với lợi thế, tiềm năng…

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm