Với những lợi thế chi phí đầu tư thấp, mang lại lợi nhuận cao, thân thiện với môi trường, qua hơn 10 năm áp dụng, mô hình nuôi sò huyết xen canh với tôm, cua dưới tán rừng phòng hộ bãi bồi ở tỉnh Kiên Giang được người nuôi cũng như ngành chức năng đánh giá là mô hình phát triển mang tính bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kiên Giang là tỉnh ven biển với chiều dài trên 200 km và nhiều khu vực nuôi quảng canh tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh kết hợp với nuôi cua biển. Đây chính là điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển mô hình nuôi sò huyết. Cũng do thiên nhiên ưu đãi nên chất lượng sò huyết ở Kiên Giang rất được thị trường ưa chuộng, giá bán cũng cao hơn so với một số địa phương trong khu vực.
Hiện nay, mô hình nuôi sò huyết kết hợp với tôm sú, cua biển trong vuông tôm quảng canh dưới tán rừng phòng hộ bãi bồi ở Kiên Giang tập trung chủ yếu ở các xã: Nam Yên, Nam Thái A, Tây Yên thuộc huyện An Biên; các xã Tân Thạnh, Đông Hưng, Vân Khánh Tây của huyện An Minh với diện tích trên 6.200 ha.
Là một trong những nông dân nhiều năm gắn bó và thành công với mô hình nuôi xen canh sò huyết với tôm sú, cua biển dưới tán rừng phòng hộ ở xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang), ông Lê Hoàng Quân cho biết, gia đình canh tác 2,7ha. Sản lượng sò huyết mỗi năm thu về khoảng 3 tấn, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của ông Quân, một trong những yếu tố thành công trong nuôi sò huyết là thả thưa. Cùng với đó là theo dõi nguồn nước dưới kênh đảm bảo không ô nhiễm mới lấy vào vuông và ông cũng thường xuyên sục bùn để tạo thức ăn tự nhiên cho loại nhuyễn thể này.
"Hơn chục năm qua, nhờ nuôi thêm sò huyết vợ chồng tôi mới nuôi được bốn người con học đại học và cất được căn nhà tường vững chắc để ở. Sau nhiều năm áp dụng, thấy hiệu quả ổn định nên gần đây vợ chồng tôi mua thêm 1,6 ha đất để phát triển mô hình. Ở đây chúng tôi hay nói đùa là mô hình con tôm "ôm" sò huyết", ông Quân chia sẻ.
Còn ông La Văn Thuận, xã Nam Thái A, huyện An Biên (Kiên Giang) cho biết, trước đây ông nuôi cua biển, nhưng những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, giá cua lại bấp bênh làm cho hiệu quả kinh tế ngày càng giảm nên ông cũng một số nông dân địa phương có ý định chuyển đổi sang mô hình nuôi khác.
Trong lúc loay hoay chưa biết thay thế bằng vật nuôi nào thì hộ ông Thuận cùng một số nông dân trong xã được hỗ trợ từ Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, ông và một số hộ dân đã chuyển sang nuôi sò huyết dưới tán rừng.
Ông Thuận cũng cho hay, nhờ tham gia dự án, được tập huấn kỹ thuật chọn con giống, xử lý nguồn nước, đồng thời được hỗ trợ 50% tiền con giống, chế phẩm sinh học, dụng cụ đo môi trường… nên mô hình đạt hiệu quả cao.
"Hiện tại, sò huyết cỡ lớn, tầm 80 con/kg hiện có giá 100.000 đồng/kg; loại vừa từ 100 con/kg bán giá 85.000 đồng/kg. Gia đình tôi nuôi 2ha, thời gian nuôi trung bình từ 10 - 12 tháng là thu hoạch, lợi nhuận từ sò huyết khoảng 100 triệu đồng/năm", ông Thuận chia sẻ.
Theo ông Trang Minh Tú, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, huyện có bờ biển dài 22km, với hơn 5.200ha đất bãi bồi ven biển là điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, trong đó có sò huyết.
Hiện nay, diện tích thả nuôi sò huyết của huyện khoảng 5.100 ha, bao gồm cả diện tích nuôi sò huyết ở rừng phòng hộ ven biển. Năm 2022, sản lượng sò huyết nuôi của huyện đạt trên 16.000 tấn. Những năm qua, cùng với tôm, cua, mô hình nuôi sò huyết dưới tán rừng giúp cải thiện thu nhập, sinh kế ổn định, giúp hàng trăm hộ vươn lên khá, giàu.
"Bên cạnh mang lại lợi nhuận từ 50 đến 60 triệu đồng/ha, các mô hình nuôi sò huyết còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người dân ở địa phương với nguồn thu nhập ổn định từ 8 - 9 triệu đồng/tháng. Đặc biệt là người dân đã thấy được lợi ích, hiệu quả của công tác bảo vệ rừng kết hợp với nuôi trồng thủy sản, góp phần cùng địa phương làm tốt công tác bảo vệ rừng phòng hộ", ông Trang Minh Tú nhấn mạnh.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên cũng cho hay, để phát triển tiềm năng bãi bồi ven biển, đồng thời thực hiện đề án nuôi biển của UBND tỉnh Kiên Giang, đơn vị đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch triển khai đề án nuôi biển phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có đề ra các lộ trình và giải pháp.
Theo đó, huyện tiếp tục sắp xếp lại các vị trí hộ nuôi, tổ chức hướng dẫn hộ nuôi đăng ký thủ tục nuôi theo quy định của nhà nước về cho thuê mặt nước bãi bồi ven biển để nuôi trồng thủy sản; xây dựng các mô hình phát triển bền vững nuôi sò huyết, ứng dụng khoa học kỹ thuật để người nông dân nhân rộng mô hình, gắn với phát triển nâng cao chất lượng đạt chuẩn OCOP nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sò huyết được nuôi trên địa bàn.
Ngành đề xuất và triển khai các nhóm giải pháp phát triển ổn định nghề nuôi sò huyết thương phẩm theo hướng bền vững như: quy hoạch vùng nuôi, giải pháp khoa học, công nghệ và khuyến ngư, dịch vụ hậu cần, chính sách vốn, thị trường…
Theo ông Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng Kiên Giang, diện tích rừng phòng hộ ven biển tỉnh gần 4.540 ha. Rừng phòng hộ ven biển của tỉnh đóng vai trò quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đê biển, chống sạt lở. Nhằm khuyến khích việc trồng và bảo vệ rừng, người dân được nhận giao khoán đất rừng phòng hộ để trồng 60% diện tích cây mắm và khai thác 40% diện tích mặt nước để nuôi tôm, cua và các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ như nghêu, sò huyết…
Năm 2011, tỉnh ban hành quy định về trồng, bảo vệ rừng và sử dụng rừng phòng hộ ven biển. Tính đến nay, tỉnh đã giao khoán cho 1.905 hộ dân thực hiện trồng rừng và khai thác diện tích mặt nước nuôi thủy sản. Đối với phần rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn huyện An Minh và An Biên có chiều dài 60 km, với diện tích trên 4.000 ha có điều kiện tự nhiên thích hợp để nuôi sò huyết.
"Thực hiện quyết định của UBND tỉnh Kiên Giang, Ban Quản lý rừng Kiên Giang từng bước khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, giao khoán cho hộ dân và tổ chức bảo vệ, phát triển rừng theo mô hình sản xuất lâm-ngư kết hợp. Hầu hết các hộ trồng rừng kết hợp nuôi cá, cua, tôm, sò huyết đều cho thu nhập khá. Qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ rừng phòng hộ, góp phần hạn chế sạt lở đất, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng", ông Nguyễn Minh Trí cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, sò huyết nuôi không cần cho thức ăn mà chủ yếu ăn từ việc lọc bùn, bả, các vi sinh vật hữu cơ có trong môi trường tự nhiên. Việc nuôi sò dưới tán rừng phòng hộ cũng góp phần cải tạo môi trường nước, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững và giữ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày một tác động lớn ở vùng bán đảo Cà Mau.
Để nghề nuôi sò huyết phát triển bền vững, tỉnh xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh trong vùng nuôi thủy sản để kịp thời khuyến cáo người dân thả nuôi hiệu quả. Đồng thời, tăng cường quản lý và bảo vệ các bãi giống thủy sản tự nhiên ven biển; tổ chức khai thác giống các loài nhuyễn phù hợp theo mùa vụ để cung ứng cho người nuôi gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi để chủ động cấp nước; nâng cấp đê bao, bờ bao ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; hoàn chỉnh hệ thống cống điều tiết nước chủ động ở các vùng tập trung để phục vụ sản xuất của nông dân.
Văn Sĩ