Thời gian qua, mô hình tôm - lúa đã mang lại những hiệu quả bền vững cho người nông dân nơi vùng biển mặn huyện Thạnh Phú, Bến Tre. Đây được xem là mô hình sản xuất không chỉ thân thiện môi trường, mà còn tạo ra sản phẩm lúa an toàn - con tôm sạch, đặc biệt thích ứng tốt với những biến đổi khí hậu hiện nay. Mô hình "con tôm ôm cây lúa" nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác giúp tăng thu nhập lên 2-3 lần so với trước đây.
Vừa đổ lợp trong ruộng lúa thu được hơn 2 kg cua biển bán với giá 300.000 đồng/kg, ông Phan Văn Chí, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú vui mừng đánh giá, vụ lúa và nuôi xen tôm, cua của gia đình năm nay trúng mùa. Ông Chí cho hay, lúa đang vào thời kỳ hình thành hạt gạo, nguồn tôm, cua nuôi xen đạt trọng lượng để thu hoạch không bị hao hụt, ruộng lúa xanh tốt. Do đó, khoảng 1 tháng nữa vừa thu hoạch lúa có thể thu hoạch luôn tôm với cua.
Ông Chí cho biết, trước đây, ông chỉ gieo xạ mỗi năm 1 vụ lúa, nên nguồn thu từ 8.000 m2 ruộng lúa không có bao nhiêu. Từ khi áp dụng hình thức trồng lúa nuôi xen tôm, cua, nguồn thu tăng gấp 2 lần. Những lúc trúng mùa lúa, tôm nguồn thu tăng lên gấp 3 lần, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng.
Ông Chí chia sẻ, nếu như trước đây chỉ làm 1 vụ lúa, giờ đây ông Chí làm hai vụ 1 vụ tôm, 1 vụ lúa. Vào mùa mưa khoảng tháng 7 âm lịch, ông Chí bắt đầu làm đất gieo sạ lúa kết hợp nuôi xen tôm càng xanh, cua biển. Đến tháng 11 âm lịch, sau khi thu hoạch, ông cải tạo lại ruộng bắt đầu cho nước mặn vào nuôi tôm sú, cua… theo hình thức quảng canh. Đến tháng 6 năm sau, ông thu hoạch đợt tôm, cua rồi tiếp tục làm vụ lúa.
Do lúa trồng theo hướng sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học nên lúa bán được giá cao. Con tôm được nuôi trong môi trường sạch nên hạn chế bệnh và không sử dụng hóa chất, kháng sinh giúp giảm giá thành vật tư đầu, tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Phan Văn Triệu, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú đánh giá, mô hình lúa tôm mang lại hướng đi mới cho người nông dân vùng biển, giúp nông dân tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, địa phương thành lập được hợp tác xã liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của người nông dân, giúp đầu ra ổn định, nông dân an tâm sản xuất. Ông Triệu chia sẻ, mô hình sản xuất không những không tác động xấu tới môi trường do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mà còn tạo ra sản phẩm lúa an toàn - con tôm sạch, giúp người nông dân phát triển kinh tế bền vững hơn, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Theo ông Lê Thành Trí, Phó Giám đốc Hợp tác xã lúa tôm Thạnh Phú, thời gian tới, hợp tác xã sẽ từng bước nâng cao sản xuất và thương mại để nâng cao giá trị cho cây lúa; xây dựng nhà máy chế biến, trực tiếp thu mua lúa cho người dân để cung cấp gạo ra thị trường. Cùng với đó, hợp tác xã phát huy thế mạnh của nhãn hiệu tập thể "Lúa sạch Thạnh Phú" nâng cao chất lượng lúa của địa phương góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Theo UBND huyện Thạnh Phú, mô hình lúa tôm có diện tích hơn 6.000 ha, tập trung tại các xã An Nhơn, Mỹ An, An Điền, Giao Thạnh,… với các giống lúa sản xuất chính như: OM 5451, OM 3536, OM 4900, OM 6162, OM 6976, OM 5451, OM 9915, OM 9921, OC10, Nàng hoa 9, Đài thơm 8, RVT và một số giống lúa mùa địa phương: Nàng keo, Tép trắng… Năng suất trung bình 4,2 tấn/ha.
Ông Đào Công Thương, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết, mô hình lúa tôm mang lại hiệu quả cao, bền vững cho người nông dân vùng biển Thạnh Phú. Mô hình lúa tôm cho lợi nhuận 70-80 triệu đồng/ha/năm, đây mô hình thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.
Cùng với việc đăng ký thương hiệu "Lúa sạch Thạnh Phú", huyện Thạnh Phú đang tập trung quảng bá thương hiệu, xây dựng mô hình lúa hữu cơ nhằm nâng cao giá trị hơn nữa cho cây lúa. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích mở rộng phát triển du lịch theo hình thức tham quan mô hình lúa - tôm nhằm tiêu thụ sản phẩm do chính nông dân, xã viên làm ra như gạo hữu cơ, tôm sinh thái, giúp nông dân phát triển bền vững hơn.
Huỳnh Phúc Hậu