Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán xâm nhập mặn ngày càng ảnh hưởng đến cây trồng, thực hiện theo phương châm "Thuận thiên" để phát triển kinh tế, nhiều hộ dân Bến Tre lựa chọn chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế; trong đó, chăn nuôi bò, dê được người dân đẩy mạnh vì có nhiều lợi thế để thích ứng.
Sau 5 năm chuyển đổi một phần đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng cỏ nuôi bò, ông Trần Văn Tâm, xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri vẫn an tâm với việc lựa chọn chuyển đổi chăn nuôi để phát triển kinh tế của gia đình.
Ông Tâm cho biết, sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 nhận thấy thời gian tới, ảnh hưởng biết đổi khí hậu sẽ ngày càng khốc liệt hơn, do đó ông Tâm đã bắt đầu suy nghĩ về việc chuyển đổi sang chăn nuôi để có hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Ông Tâm cho hay, trước đây với 7.000m2 đất lúa của gia đình, mỗi năm làm được 3 vụ. Khi đó thu nhập của gia đình cũng tạm ổn, nhưng thời gian sau tình trạng nước mặn xâm nhập ngày càng kéo dài độ mặn càng tăng thêm, thu nhập từ cây lúa không được ổn định. Từ đó, ông Tâm quyết định mua thêm 2 con bò cái sinh sản về nuôi để kiếm thêm thu nhập.
Ông Tâm chia sẻ, lúc đầu cắt cỏ quanh bờ ruộng, tận dụng nguồn rơm từ trồng lúa, sau đó ông chuyển đổi 3.000 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả lên líp trồng cỏ nuôi bò. Đến nay, đàn bò của gia đình lên 7 bò nái sinh sản. Nguồn thu nhập từ đàn bò mỗi năm hơn 100 triệu đồng, gấp từ 3-4 lần thu nhập trồng lúa trong 1 năm.
Ông Tâm nhận định, nếu giữ chỉ sản xuất lúa, không mạnh dạn chuyển đổi thì giờ dây kinh tế gia đình sẽ bấp bênh, vì mỗi năm chỉ làm 1 hoặc 2 vụ lúa, chưa kể nước mặn ảnh hưởng đến năng xuất lúa. Ngoài ra, con bò thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, do khả năng chịu mặn tốt, nguồn thức ăn phong phú nên được nhiều gia đình lựa chọn để chăn nuôi phát triển kinh tế.
Ra ở riêng với 2.000m2 đất sản xuất do ba mẹ cho, gia đình anh Nguyễn Văn Phúc, xã Phước Ngãi, huyện Ba Tri thiếu trước hụt sau do nguồn thu nhập không ổn định. Anh Phúc cho biết, trước đây đất chỉ trồng lúa nhưng diện tích nhỏ thu nhập không bao nhiêu, hàng ngày vợ chồng anh Phúc đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập.
Nhận thấy nuôi dê thuận lợi, nguồn thức ăn dễ tìm, anh Phúc đầu tư nuôi 2 dê nái sinh sản. Sau ba năm đàn dê phát triển, anh mạnh dạn chuyển đổi 2.000m2 nuôi dê và nuôi thêm 2 con bò sinh sản. Hiện nay, thu nhập từ đàn dê đàn bò ổn định so với trồng lúa trước đây.
Anh Phúc tâm sự, ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay làm cho cây trồng phát triển không thuận lợi. Riêng chăn nuôi con bò, con dê có khả năng chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, chuyển đổi đất trồng cây tạp sang trồng cỏ nuôi bò, dê mang lại hiệu quả cao hơn, cho thu nhập ổn định hơn. Trước đây 2.000m2 nếu trồng lúa mỗi năm thu chỉ 15-20 triệu đồng, nhưng chuyển sang trồng cỏ nuôi bò, dê cho thu nhập cao hơn từ 3-4 lần so với trồng lúa.
Theo ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre, trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay, con bò, dê có khả năng chống chịu tốt với hạn hán, xâm nhập mặn, dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao. Do vậy, các vật nuôi trên được người dân lựa chọn để phát triển kinh tế.
Tỉnh Bến Tre hiện có đàn bò hơn 227 nghìn con, đàn dê hơn 185 nghìn con, chủ yếu là chăn nuôi theo qui mô nông hộ gia đình. Bên cạnh đó, chăn nuôi bò, dê góp phần xóa đói, giảm nghèo trong các hộ dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình tại các địa phương.
Thời gian tới, ngành chức năng tỉnh Bến Tre tập trung hỗ trợ người dân tham gia các tổ liên kết, hợp tác xã trong chăn nuôi để tạo đầu ra ổn định. Tỉnh xây dựng thương hiệu "Bò Ba Tri" ngày càng lớn mạnh, góp phần ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển, đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, Bến Tre tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh, đồng thời hỗ trợ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ được chứng nhận theo quy định; hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ giống và sản phẩm chăn nuôi; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ổn định, bền vững...
Huỳnh Phúc Hậu