Tuyên Quang chuyển đổi hợp tác xã theo mô hình kiểu mới

Tuyên Quang chuyển đổi hợp tác xã theo mô hình kiểu mới

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 578 hợp tác xã, 43 tổ hợp tác. Hầu hết các hợp tác xã, tổ hợp tác đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể. Nhiều hợp tác xã đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất, tiếp cận chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường…

Tuyên Quang chuyển đổi hợp tác xã theo mô hình kiểu mới ảnh 1Sản phẩm cam sấy khô của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm, huyện Hàm Yên đang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường, giúp đầu ra ổn định cho người trồng cam. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện các giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Cụ thể, để phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, tỉnh Tuyên Quang tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Liên minh Hợp tác xã tỉnh.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã nông nghiệp gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho ban lãnh đạo và thành viên các hợp tác xã nông nghiệp; trong đó, tập trung tập huấn nâng cao chất lượng quản lý và điều hành hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức đào tạo nghề cho các hợp tác xã nông nghiệp nhất là đào tạo để tiếp cận được các công nghệ mới đưa vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Cùng đó, tỉnh gắn kết đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Chương trình khuyến công và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

Tỉnh Tuyên Quang cũng tập trung nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các hợp tác xã nông nghiệp; tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; đầu tư phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ...), xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, cải tiến nâng cấp bao bì nhãn hàng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng đáp ứng với nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, gắn việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp với xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP; hỗ trợ về đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến nông, lâm, thuỷ sản gắn với công nghệ tiên tiến và thiết bị đồng bộ trong thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng…

Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về thị trường; hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ triển lãm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước, trong đó chú trọng sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của địa phương có thế mạnh; tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm giúp hợp tác xã nông nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường, kết nối cung cầu nông sản với các thành phố lớn và hệ thống các siêu thị, chợ nông sản, chợ thương mại điện tử... tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã. Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất có 1 hợp tác xã nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia, doanh thu bình quân đạt từ 5 tỷ đồng/năm trở lên; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có trên 70 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.


Vũ Quang


(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm