Liên kết sản xuất theo chuỗi – Hướng đi bền vững của các hợp tác xã ở Tuyên Quang

Liên kết sản xuất theo chuỗi – Hướng đi bền vững của các hợp tác xã ở Tuyên Quang

Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản đang trở thành hướng đi mới, có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Hiện nay, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập của người dân và phát triển kinh tế địa phương.

Liên kết sản xuất theo chuỗi – Hướng đi bền vững của các hợp tác xã ở Tuyên Quang ảnh 1Tiêu thụ sản phẩm dưa chuột ở xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Cường

Sau gần 4 năm thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dưa chuột, từ 3,5 ha vùng nguyên liệu ban đầu, đến nay diện tích trồng dưa chuột của Hợp tác xã Minh Tâm, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã lên tới hơn 300 ha. Hợp tác xã Minh Tâm cũng đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột với trên 50 nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác tại 28 xã trên địa bàn toàn tỉnh với trên 2000 hộ dân tham gia. Hợp tác xã này cũng liên kết với một hợp tác xã tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc tiêu thụ dưa chuột cho người dân với giá thành ổn định.

Chị Hà Thị Tuyến, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang cho biết, tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hợp tác xã hiệu quả kinh tế trên một diện tích cao hơn hẳn so với trước đây bởi đầu ra và giá thành sản phẩm luôn ổn định. Nhờ tham gia liên kết sản xuất với hợp tác xã, đời sống gia đình chị Tuyến ngày càng được nâng cao.

Ông Trần Minh Phúc, Giám đốc Hợp tác xã Minh Tâm, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết, để người dân yên tâm đầu tư sản xuất, chúng tôi thực hiện ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dưa chuột với các hộ dân. Ngoài ra, hợp tác xã cũng đầu tư cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân và thực hiện bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho người dân theo các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Liên kết sản xuất theo chuỗi – Hướng đi bền vững của các hợp tác xã ở Tuyên Quang ảnh 2Liên kết sản xuất dưa chuột giúp người dân xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang có thu nhập ổn định. Ảnh: Quang Cường

Nhiều năm nay, Hợp tác xã nôi ong Phong Thổ, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang đã triển khai mô hình nuôi ong lấy mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với 18 hộ gia đình trên địa bàn xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Với quy mô 900 đàn ong, sản lượng mật đạt 12-14 lít/đàn/năm, doanh thu bình quân 130 triệu đồng/hộ/năm đã cho thấy hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Ông Trần Xuân Phong, Giám đốc HTX nuôi ong Phong Thổ cho biết, để thực hiện hiệu quả các khâu liên kết, HTX cung ứng giống, vật tư chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, đồng thời ký hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm mật ong cho các hộ theo giá thị trường. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, phát triển thêm các dịch vụ để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành gần 20 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hơn 27 doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia. Các mô hình, dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển HTX, xây dựng sản xuất tập trung… đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống. Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và sản phẩm nông sản của nông dân, đời sống được nâng lên.

Liên kết sản xuất theo chuỗi – Hướng đi bền vững của các hợp tác xã ở Tuyên Quang ảnh 3Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Ảnh: Quang Cường

Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh sản xuất và giúp người dân địa phương tiêu thụ nông sản. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các hợp tác xã được tiếp cận các nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật, lồng ghép các nguồn kinh phí hoạt động khoa học công nghệ, khuyến công, khuyến nông thực hiện các mô hình gắn với điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã. Các đơn vị, địa phương cũng đã tìm các doanh nghiệp tiềm năng cùng phối hợp với nông dân trên địa bàn thực hiện các chuỗi liên kết hiệu quả.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim, để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân cần chú trọng xây dựng chuỗi liên kết bền vững. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng. Để đảm bảo tính bền vững trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các đơn vị, địa phương cũng cần tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch.

Quang Cường

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm