Liên kết sản xuất, chủ động nguyên liệu chế biến sản phẩm sắn

Thu hoạch sắn tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Thu hoạch sắn tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Để tăng năng suất và sản lượng cho cây sắn trong giai đoạn năm 2023 – 2028, Hiệp hội sắn Việt Nam đã chủ động kết hợp với Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành xây dựng lộ trình phát triển bền vững ngành sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu phát triển ngành sắn theo hướng nâng cao giá trị bền vững, tỷ lệ chế biến sau tinh bột đạt 15%, với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 2 tỷ USD/năm.

Liên kết sản xuất, chủ động nguyên liệu chế biến sản phẩm sắn ảnh 1Thu hoạch sắn tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện tỉnh Tây Ninh có 65 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với công xuất mỗi năm đạt hơn 4 triệu tấn củ sắn tươi; những năm qua, diện tích trồng sắn của toàn tỉnh liên tục tăng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.

Năm 2023 ghi nhận có gần 62 nghìn ha đất trồng sắn, năng xuất bình quân trên 32 tấn/ha. Với giá sắn là gần 4.000 đồng/kg (sắn 30 chữ tinh bột) người trồng sắn có thể thu lãi khoảng 128 triệu đồng/1ha. Hiện nay, để đảm bảo nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn của tỉnh phải nhập sắn từ Campuchia và tỉnh Bình Phước để chế biến.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, Tây Ninh mặc dù được xem là thủ phủ của cây sắn, với số lượng diện tích trồng sắn và nhà máy chế biến tinh bột sắn lớn (chiếm hơn 35% sản lượng toàn ngành sắn cả nước), nhưng ngành sản xuất và chế biến sắn của Tây Ninh vẫn còn nhiều hạn chế khi chưa có liên kết trong đầu tư, thu mua nguyên liệu giữa nhà máy chế biến và người nông dân.

Tỉnh chưa hình thành cơ chế chính sách liên kết vùng sản xuất cây sắn để đảm bảo sản lượng sắn cung cấp ổn định lâu dài cho sản xuất. Ngoài ra, dịch bệnh khảm lá trên sắn làm giảm năng suất và sự cạnh tranh của các loại cây trồng có giá trị cao như cây mía, cao su, cây ăn trái... cũng ảnh hưởng rất lớn đến diện tích trồng sắn ổn định của tỉnh.

Theo ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, đến nay ngành sắn Việt Nam vẫn còn tồn tại tình trạng phát triển tự phát, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cụ thể. Từ đó, dẫn đến tình trạng không đảm bảo sự cân đối giữa nguyên liệu và sản xuất chế biến. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ còn chưa chú trọng liên kết trong sản xuất, thiếu đầu tư đổi mới công nghệ, dẫn đến tình trạng phát triển không bền vững, kém hiệu quả, ảnh hưởng đến sự ổn định vùng nguyên liệu.

Tiến sĩ Jonathan Craig Newby, Giám đốc Chương trình sắn quốc tế - Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế (CIAT) cho hay, Việt Nam là một trong những nước sản xuất tinh bột sắn hàng đầu thế giới, cung cấp cho nhiều thị trường lớn. Tuy nhiên, để đủ sức cạnh tranh với khu vực thì ngành sắn Việt Nam cần nâng cao năng suất củ sắn tươi; đảm bảo liên kết trong sản xuất để chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến; giải quyết các vấn đề thoái hóa đất, kiểm soát dịch bệnh, nghiên cứu phát triển giống; đổi mới công nghệ sản xuất và cập nhật các kỹ thuật canh tác cây sắn tiên tiến.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục Trưởng Cục Trồng trọt, để thực hiện mục tiêu thay đổi cơ cấu giống, Cục Trồng trọt đã phối hợp với Hiệp hội sắn Việt Nam và Viện di truyền nông nghiệp, thực hiện nghiên cứu các giống sắn mới có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn. Hiện nay, các giống C36, C97, HN1, HN3, HN5 đã công bố lưu hành, được ngành sắn triển khai tại các vùng nguyên liệu lớn. Trong đó, tỉnh Tây Ninh đã thành công trong việc phát triển giống HN3 Và HN5.

Ông Nguyễn Ngọc Loan, ngụ ấp Phước Hiệp, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết: ưu điểm của giống sắn mới so với giống truyền thống là phù hợp trồng được trên đất ruộng, thời gian thu hoạch ngắn; năng suất và chữ bột cũng rất cao, ít sâu bệnh. Sản lượng bình quân trước đây khoảng 20 tấn/ha, chữ bột khoảng 24 đến 25 chữ bột, thì hiện nay giống mới cho năng suất khoảng 40 tấn/ha, chữ bột vào khoảng 27 đến 28 chữ bột.

Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, từ năm 2013 đến nay, ngành sắn Việt Nam phát triển tương đối nhanh. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sắn tăng từ 0,958 tỷ USD (năm 2018) lên gần 1,5 tỷ USD (năm 2022). Cây sắn là sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đứng thứ ba sau lúa và cà phê. Ngoài hiệu quả kinh tế, cây sắn đã giải quyết việc làm cho khoảng hơn 1,5 triệu lao động. Trong đó, cơ cấu lao động dần chuyển dịch từ sản xuất thuần nông sang các ngành dịch vụ chế biến tinh bột và sau tinh bột.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho rằng, nên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới vào sản xuất tinh bột sắn, để tạo ra sản phẩm đa dạng hơn và có giá trị kinh tế cao. Ngành sắn nên chú trọng nâng cao năng suất cho cây sắn và tạo ra hệ sinh thái sản xuất khép kín nhằm đa dạng hóa sản phẩm sắn theo chiều sâu, thay cho chính sách tăng diện tích trồng hoặc mở rộng thêm nhiều nhà máy.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Á Châu Hoa Sơn cho biết: Theo nhu cầu và xu thế của thị trường, thì chế biến sâu sau tinh bột là điều tất yếu để ngành sắn phát triển đa dạng, có chiều sâu trong tương lai là yếu tố cần thiết và cần ưu tiên hàng đầu để đảm bảo phát triển bền vững cây sắn trong thời gian tới.

Cũng theo ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, để cho ngành sắn phát triển một cách ổn định, bền vững và có chất lượng, Việt Nam cần tái cơ cấu lại ngành sắn trong nước; đảm bảo cân đối nguyên liệu trong sản xuất. Đồng thời, xây dựng Trung tâm Phát triển giống sắn có sự liên kết, nhằm tạo nguồn giống mới đáp ứng kịp thời nhu cầu giống cho bà con nông dân; đảm bảo công bằng chính sách tín dụng và chính sách thuế; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khuyến khích, tiếp sức cho doanh nghiệp đầu tư xử lý môi trường và sản xuất chế biến có chiều sâu để nâng cao giá trị sau tinh bột.

Minh Phú

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm