Ngày 27/6, tại tỉnh Tây Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Hiệp hội sắn Việt Nam đã chủ động kết hợp với Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành xây dựng lộ trình phát triển bền vững ngành sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu phát triển ngành sắn theo hướng nâng cao giá trị bền vững, tỷ lệ chế biến sau tinh bột đạt 15%, với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 2 tỷ USD/năm.
Từ vai trò là cây lương thực được chuyển đổi thành cây công nghiệp hàng hóa có lợi thế cạnh tranh cao, nên cây sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD của Việt Nam từ năm 2012. Tuy vậy, trong quá trình chế biến các sản phẩm từ sắn đã phát sinh lượng nước thải và vỏ sắn rất lớn, gây ô nhiễm và phát sinh mùi ra môi trường xung quanh. Do đó, việc tạo điều kiện cho các nhà máy chế biến sắn áp dụng được hệ thống xử lý nước thải, chất thải theo cơ chế phát triển sạch là rất cần thiết.