|
Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, chăm sóc ruộng sắn dây mới trồng. Ảnh: Thanh Tân-TTXVN |
Xây dựng Quy chuẩn nước thải
Theo báo cáo của Hiệp hội Sắn Việt Nam, hiện cả nước có 110 nhà máy sản xuất tinh bột sắn quy mô công nghiệp, 7 nhà máy chế biến cồn. Sản lượng tinh bột hàng năm trên 3,5 triệu tấn, trong đó 80% xuất khẩu. Còn bã sắn là sản phẩm phụ thu được sau quá trình sản xuất tinh bột sắn ước tính khoảng 4 triệu tấn ướt, tương đương 1,2 triệu tấn khô/năm. Đây là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.
Đặc biệt, sau khi chuyển đổi cây sắn thành công công nghiệp hàng hóa, sản xuất sắn với quy mô lớn đã và đang trở thành nguồn thu nhập quan trọng của các hộ nông dân nghèo vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Trung du miền núi phía Bắc.
Tuy vậy, theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, hiện mới có 50 nhà máy chế biến sắn áp dụng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn B, 10 nhà máy đạt tiêu chuẩn A. Nguyên nhân là do chưa có Quy chuẩn cụ thể, hầu hết các nhà máy chế biến sắn chưa tiếp cận được với những phương pháp xử lý nước thải hiệu quả cho mỗi vùng sinh thái khác nhau. Hạn chế nhất là kiến thức xử lý môi trường, thiếu vốn đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải.
Tháng 6/2014, sau khi được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã cùng các cơ quan chức năng của Bộ thực hiện cuộc khảo sát đánh giá các nhà máy chế biến sắn trên cả 3 miền Bắc-Trung-Nam. Trên cơ sở đó đã đề xuất Quy chuẩn QCVN 63-MT/BTNMT về nước thải ngành sắn, hiện đang chờ ý kiến góp ý của Bộ Khoa học và Công nghệ để hoàn thiện Quy chuẩn này.
|
Nông dân xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh thu hoạch sắn. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN |
”Bà đỡ” của ngành sắn
Từ thực trạng các nhà máy chế biến sắn rất cần được đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trong 2 khâu là hệ thống sấy bã và hệ thống xử lý nước thải. Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam bước đầu đã hỗ trợ cho vay ưu đãi cho một số nhà máy chế biến sắn để giải quyết 2 khâu quan trọng này. Tiêu biểu như tại Công ty cổ phần sản xuất chế biến Nông lâm sản và Vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh (PHUC THINH PPAF., JSC) là nhà sản xuất tinh bột sắn và xuất khẩu, kinh doanh nông sản và phân bón.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị PHUC THINH PPAF., JSC Nghiêm Minh Tiến cho biết: Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích khoảng 25.000 m2 tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa - một trong những vùng nguyên liệu sắn lớn nhất trong cả nước.
Hệ thống máy móc và công nghệ của nhà máy được nhập khẩu trực tiếp từ Thụy Điển. Do đó, tinh bột của nhà máy đạt tiêu chuẩn Châu Âu với công suất trên 250 tấn/ngày. Sản phẩm chính của Công ty là Tinh bột sắn (Tapioca Starch), với giá cả hợp lý và chất lượng cao cấp ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được khách hàng trong và ngoài nước ghi nhận. Cung cấp sản phẩm cho cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Liên bang Nga là 2 thị trường lớn nhất thế giới.
Với mục đích phải sản xuất thân thiện với môi trường, nên năm 2015, Công ty lập 2 dự án mang tính “đột phá”. Đó là Dự án nhà máy ép và sấy bã công xuất 15.000 tấn/năm; Dự án hệ thống hồ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn A-Quy chuẩn 40/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, Dự án nhà máy ép và sấy bã có kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng, trong đó 70% là vốn vay ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam. Dự án hoàn thành và tuy mới đưa vào sử dụng trong niên vụ sản xuất 2016-2017 song đã đạt được 3 mục tiêu cơ bản. Trước hết là đảm bảo được yêu cầu sản xuất thân thiện với môi trường, khắc phục tuyệt đối sự phát tán mùi hôi ra không khí. Hiệu quả kinh tế mang lại là nếu cùng quy mô sản xuất như nhau, nhưng trường hợp bán bã sắn tươi lợi nhuận thu về chỉ 50.000đ/tấn, sau khi chế biến bã sấy khô lợi nhuận đạt tới 250.000đ/tấn và sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Mặt khác giải quyết được việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Về Dự án xây dựng hệ thống hồ xử lý nước thải đạt chuẩn A với quy mô 6.000m3/ngày, tổng giá trị 18 tỷ đồng được Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam cho vay ưu đãi 12 tỷ đồng. Hiện công trình đã hoàn thiện đưa vào vận hành từ tháng 9 vừa qua. Đây là hệ thống xử lý nước thải hiện đại, sau khi xử lý có thể tái sử dụng và nuôi trồng thủy sản.
Ông Nghiêm Minh Tiến khẳng định: Nếu các doanh nghiệp chế biến sắn được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho họ đổi mới tư duy sản xuất. Từ một phương án sản xuất thiếu thân thiện với môi trường sang ý thức phát triển sạch. Đồng thời giảm được chi phí sản xuất vừa tăng giá trị sản phẩm, tạo nên sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và thế giới.
Văn Hào