Kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang

Kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang

Ngày 19/11, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng tỉnh Tuyên Quang năm 2023.

Kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Tham gia hội nghị có đại diện các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Ninh Bình, An Giang, Lạng Sơn, Long An; đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hợp tác, đơn vị sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng trong và ngoài tỉnh.

Hội nghị Kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng tỉnh Tuyên Quang năm 2023 nhằm đa dạng hóa các giải pháp kết nối, ứng dụng công nghệ, tiếp cận thị trường và người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các chủ sở hữu OCOP, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm của tỉnh một cách ổn định, bền vững.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu thảo luận về các giải pháp, cách thức tiếp cận mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Bà Đào Thị Mai, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho rằng, để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sẩn phẩm OCOP trong nước, hướng tới thị trường quốc tế, các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, tuyên truyền, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn; chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang ảnh 2Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đủ sản lượng, sản xuất phải tuân thủ quy chân, tiêu chuẩn, chất lượng; các chủ thể OCOP cần phân định rõ các khâu trong xây dụng và nâng cao chất lượng sản phẩm (gồm 3 phân khúc sản xuất – chế biến – tiêu thụ). Đồng thời, khuyến khích các chủ thể OCOP nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến, tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, giảm áp lực mùa vụ, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Bà Trần Ngọc Diệu,Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, tỉnh An Giang và tỉnh Tuyên Quang có nhiều sản phẩm OCCOP có thể trao đổi, tiêu thụ lẫn nhau, đặc biệt là những sản phẩm dễ vận chuyển và có thời gian bảo quản dài lâu.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn chung của cả hai địa phương là chưa có đại lý phân phối, chi phí vận chuyển sẽ khiến giá thành sản phẩm cao hơn giá tại nơi sản xuất. Do vậy, rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của ngành công thương hai địa phương để các cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện tiêu thụ thuận lợi các sản phẩm OCOP của cả hai tỉnh An Giang và Tuyên Quang. Đồng thời, các cơ sở, hợp tác xã sản xuất cần nghiên cứu nhu cầu của người dân các vùng miền, để cải tiến thành phần sản phẩm cho phù hợp với người dân các địa phương.

Cũng tại hội nghị, Liên minh xúc tiến thương mại ACTONE Global đã kết nối trực tuyến với đầu mối của Liên minh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và các đơn vị sản xuất kinh doanh của tỉnh Tuyên Quang hiểu rõ về các thị trường, nắm những yêu cầu cơ bản về tiêu thụ sản phẩm của các quốc gia, đề xuất phương án giúp việc đưa các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang đến thị trường quốc tế và một số chương trình hỗ trợ dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất kinh doanh.

Ông Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngành công thương Tuyên Quang sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tỉnh Tuyên Quang sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, hỗ trợ xây dựng thươn hiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Tuyên Quang; tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng trong và ngoài tỉnh, ký kết hợp đồng, thỏa thuận hợp tác sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm.

Kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang ảnh 3Ký kết kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh tỉnh Tuyên Quang với Công ty TNHH Thảo Hương và Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tiến Anh, tỉnh An Giang. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 191 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP tiếp tục được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee…

Tuy nhiên, các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh Tuyên Quang còn nhiều hạn chế. Việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hàng hoá của tỉnh, nhất là hàng hoá tại khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.

Quang Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm