Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, đề án đặt mục tiêu hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng, đảm bảo cảnh quan môi trường hài hòa, phục vụ phát huy giá trị di tích. Thành phố lập hồ sơ xếp hạng 8 di tích cấp quốc gia và cấp thành phố; đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia cho một hoặc hai hiện vật; tổ chức 5 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Cùng với đó, thành phố thực hiện trùng tu 12 nhà cổ dân gian chưa được xếp hạng nhưng có giá trị; hoàn thành việc số hóa các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu đã được công nhận; bản đồ di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng. Thành phố lựa chọn một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; chọn từ một đến hai nghệ nhân được xét tặng là Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể...
Để thực hiện các mục tiêu trên, đề án đưa ra nhiều giải pháp như: Quảng bá, xúc tiến du lịch để giới thiệu văn hóa đặc trưng của địa phương đến người dân, du khách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch. Đề án triển khai các hoạt động tuyên truyền đối với đồng bào dân tộc Cơ Tu nhằm nâng cao tự tôn dân tộc và nhận thức của đồng bào trong việc loại bỏ những tập tục lạc hậu, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào đối với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Thành phố đầu tư hiện đại hóa, chuyển đổi số Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tìm hiểu thông tin của người dân và du khách.
Đề án đặt ra giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp kinh phí, tham gia đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích và khai thác dịch vụ thương mại tại các khu di tích; tổ chức các hoạt động liên quan đến truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, thành phố xây dựng, phát triển nguồn nhân lực có tính chuyên nghiệp cao, đội ngũ thợ lành nghề, được trang bị, nắm vững những quy định của pháp luật về di sản văn hóa; được trang bị các phương pháp khoa học về bảo tồn truyền thống và hiện đại. Thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa; tổ chức các hoạt động xúc tiến liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố lân cận nhằm phát huy lợi thế “Con đường di sản văn hóa” để phát triển du lịch di sản cho thành phố trong hệ thống chung…
Giai đoạn 2016 - 2020, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại thành phố Đà Nẵng luôn được chính quyền, người dân quan tâm và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đối với di sản văn hóa vật thể, hiện nay, thành phố có hai Di tích cấp quốc gia đặc biệt, 17 Di tích cấp quốc gia, 63 Di tích cấp thành phố và 6 hiện vật đang lưu trữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Trong 5 năm qua, thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để trùng tu 35 di tích được xếp các hạng. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục triển khai một số dự án lớn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn như: dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2); dự án nâng cấp cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng; dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị Di tích Hải Vân Quan…
Thành phố Đà Nẵng có 6 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng; nghề đá Non nước Ngũ Hành Sơn; nghề làm nước mắm Nam Ô; lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng; nghệ thuật hô hát Bài Chòi, lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Thành phố đã số hóa, tư liệu hóa 3.300 tư liệu về văn hóa phi vật thể trên địa bàn để phục vụ công tác tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và quảng bá, giới thiệu với công chúng và du khách về các loại hình di sản văn hóa Đà Nẵng.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến, khởi sắc. Bước đầu, thành phố khai thác tốt các giá trị di sản văn hóa để phục vụ du lịch, phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
Trần Lê Lâm