Hội thảo khoa học “Vấn đề bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay”

Hội thảo khoa học “Vấn đề bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay”

Ngày 24/11, tại Sơn La, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học “Vấn đề bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay”.

Hội thảo khoa học “Vấn đề bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay” ảnh 1Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, văn hóa luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa trong quá trình phát triển, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc bảo tồn, xây dựng và phát triển văn hóa đảm bảo hài hòa, hợp lý, tạo ra ngày càng nhiều giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội.

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đại biểu dự hội thảo đã tập trung thảo luận, làm rõ thêm một số nội dung về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay như: hệ thống chính sách, thực tiễn vấn đề bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay; thành tựu cũng như các thách thức đặt ra trong công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở các dân tộc thiểu số…

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La Đinh Thị Bích Thảo, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, có nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa mang sắc thái riêng, chúng bổ sung, làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam. Theo thời gian, các giá trị văn hóa đó được tích lũy, lưu truyền từ đời này sang đời khác để hun đúc nên trở thành di sản văn hóa dân tộc. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của các dân tộc, nhất là về tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, di tích, di vật, cổ vật, bảo vật; đẩy mạnh công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo vệ, lưu trữ, nghiên cứu, phục dựng các di sản văn hóa phi vật thể; bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La cũng thông tin, những năm qua, Sơn La đã huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; giải quyết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ giáo dục truyền thống cũng như phát triển kinh tế du lịch. Sơn La hiện có 113 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó, có Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Tỉnh đã hoàn thành công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn; lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa tiêu biểu trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho biết: Trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở Việt Nam nói chung và ở các dân tộc thiểu số nói riêng đã đạt nhiều thành tựu. Trong đó, sự thay đổi quan trọng nhất là nhận thức, mối quan tâm về di sản của cả xã hội. Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức và cộng đồng đều đã ưu tiên đầu tư cả nguồn lực vật chất và nguồn lực con người vào công tác bảo vệ và phát huy di sản. Công tác truyền dạy, phục hồi, tư liệu hóa, vinh danh nghệ nhân cũng như hoạt động quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được đẩy mạnh nhằm bảo vệ di sản văn hóa bền vững.

Tuy nhiên, vẫn còn bất cập về quan điểm tiếp cận và nhìn nhận di sản văn hóa. Việc nhìn nhận giá trị của một di sản cùng với đó là việc thiết kế các mô hình, hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay vẫn còn bị chi phối khá nặng bởi quan điểm nhìn nhận văn hóa có sự cao – thấp, có giá trị và phản giá trị. Bên cạnh đó là định kiến của người dân đối với chính di sản văn hóa của họ. Trong một thời gian dài, những đánh giá, nhìn nhận chưa đúng về di sản văn hóa các dân tộc thiểu số đã làm nhiều cộng đồng, tộc người, đặc biệt là ở giới trẻ mặc cảm, xem thường. Sự mặc cảm, tự ti làm cho người dân thụ động trong việc tiếp nhận các yếu tố văn hóa từ bên ngoài trong bối cảnh hội nhập cũng như chủ động tham gia vào bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của chính cha, ông để lại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: Di sản văn hóa tộc người của các dân tộc thiểu số vô cùng đặc sắc và phong phú, góp phần đặc biệt quan trọng tạo nên bản sắc của dân tộc Việt Nam. Trong tiến trình hội nhập phát triển, di sản văn hóa tộc người đã khẳng định và thể hiện là một tài sản văn hóa lớn của đất nước. Tài sản này đã và đang được giữ gìn, khai thác, phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và các địa phương. Hội nhập trong nước và quốc tế qua con đường du lịch là một xu thế tất yếu đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu và tất cả các địa phương trong nước hiện nay. Khi tham gia vào quá trình hội nhập trong nước và quốc tế qua con đường du lịch, văn hóa giữ vai trò quyết định. Nguồn lực về di sản văn hóa của quốc gia, dân tộc được hội tụ và tích lũy qua bề dày lịch sử nếu được tổ chức khai thác, quản lý tốt sẽ không chỉ là sức mạnh tiềm tàng mà còn là yếu tố tạo nên sự duyên dáng, hấp dẫn để tạo nên ấn tượng và sự khác biệt của du lịch các địa phương.

Hội thảo đã góp phần làm rõ, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa; giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa; đóng góp thiết thực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.


Nguyễn Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm