Chiều 26/8, Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Bảo tồn và Phục hồi các di sản văn hóa (ICCROM), Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Khoa Di sản Văn hóa - Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Bảo vệ di sản văn hoá trong bối cảnh đại dịch”.
Hội thảo thu hút nhiều cơ quan bảo tồn di sản, truyền thông, cùng nhiều chuyên gia, nhà quản lý về văn hoá, sinh viên tới từ các khoa lưu trữ, di sản từ các trường đại học, viện nghiên cứu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội trên toàn thế giới, nhiều hoạt động văn hóa vật thể, phi vật thể, các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống và đương đại đều bị trì hoãn, hủy bỏ, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Trần Việt Hoa, tại Việt Nam, di sản văn hóa là một phần di sản chung của nhân loại, là bằng chứng độc đáo và quan trọng về sự tiến hóa của con người và bản sắc riêng của từng dân tộc. Trong xã hội hiện đại, tầm quan trọng của việc bảo vệ các di sản văn hóa ngày càng được chú trọng, nhấn mạnh.
Về công tác bảo vệ và phát huy các di tích, di sản văn hoá, do dịch diễn biến phức tạp, hầu hết các bảo tàng, di tích địa điểm, thư viện và các công trình tôn giáo trên cả nước buộc phải tạm thời đóng cửa để đảm bảo an toàn cho khách tham quan, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, để thu hút khách tham quan trong bối cảnh dịch bệnh, các đơn vị quản lý di tích cần tìm tòi, sáng tạo nhiều hướng đi mới, trong đó có việc áp dụng công nghệ “ảo” thông qua các website và trang mạng xã hội nhằm tiếp tục phát huy giá trị di sản trong thời điểm khó khăn này. Bên cạnh việc thực nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, các cơ sở này cần có các biện pháp đảm bảo an ninh, tăng cường hoạt động giám sát, nhất là ở những khu vực có nhiều di sản văn hóa.
Song song với công tác quản lý, bảo vệ, công tác bảo tồn cũng được nhiều chuyên gia, nhà quản lý chú trọng. Theo bà Nguyễn Khắc Xuân Thi, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, di sản đô thị có giá trị lịch sử, văn hóa, tạo dựng thương hiệu trong suốt quá trình hình thành, phát triển. Di sản ấy còn tạo ra nơi chốn, những dấu tích và cảnh quan gắn bó, ăn sâu vào tâm thức của người dân và du khách. Do đó, muốn bảo tồn di sản phải hiểu bản chất của di sản. Vướng mắc lúc này là chưa có một danh sách và lý lịch đầy đủ về các di sản, di tích văn hóa - lịch sử - kiến trúc. Phải xây dựng được hệ thống lý lịch của di tích để không chỉ nhà khoa học mà người dân cũng hiểu, từ đó hướng tới chung tay gìn giữ, bảo tồn.
Để bảo vệ những công trình di sản kiến trúc có giá trị, theo Tiến sỹ Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử cũng như là các công trình kiến trúc nói riêng là trách nhiệm chung của tất cả những người đang sinh sống tại thành phố đó. Theo đó, cần xây dựng hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ, trong Luật Di sản cần có những sự điều chỉnh phù hợp để bảo vệ những công trình chưa được xếp hạng. Chính quyền đô thị cũng cần xây dựng được những quy chế quản lý, quy định rõ ràng cho sự phát triển ở từng khu vực, đặc biệt ở các khu vực cần bảo tồn, những công trình được cải tạo, mở rộng phải đảm bảo cùng phong cách kiến trúc hoặc có sự tương xứng, tương hợp.
Tương tự, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu gắn kết di sản với phát triển đô thị sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở các lợi ích lâu dài và bền vững của cộng đồng, việc phát triển kinh tế đô thị và bảo tồn di sản văn hóa truyền thống có mối quan hệ mật thiết theo hướng hỗ trợ và thúc đẩy nhau phát triển. Để di sản được bảo tồn tốt cần công nhận giá trị của chúng trên phạm vi rộng. Việc quy hoạch phát triển đô thị, nhất là quy hoạch xây dựng cần phải được làm chặt chẽ hơn, tránh để cao ốc lấn sang tầm nhìn của di tích, di sản. Điều này phụ thuộc vào sự hiểu biết của nhà quản lý trong hoạch định bảo tồn và định hướng cho cộng đồng.
Thu Hương