Đa dạng các loại hình du lịch văn hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đa dạng các loại hình du lịch văn hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố, trên thế giới, du lịch văn hóa là một xu hướng của các nước đang phát triển, tạo ra nhiều thời cơ nhưng cũng nhiều thách thức đối với ngành du lịch. Ở Việt Nam, ngành Du lịch đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm phát triển du lịch văn hóa, trong đó xu hướng du lịch thông minh dự báo sẽ phát triển mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh. 
Du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu lịch sử Việt Nam tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hương
Du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu lịch sử Việt Nam tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hương
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố cho biết, ngành Du lịch thành phố hiện đang khuyến khích phát triển du lịch văn hóa theo hướng hỗ trợ cộng đồng dân cư tham gia quản lý công tác du lịch của địa phương nhằm tăng thêm lợi ích kinh tế, đẩy mạnh giám sát góp phần giảm thấp nhất những tác động tiêu cực, rủi ro của du lịch đối với môi trường.

"Việc làm này còn phát huy truyền thống văn hóa, nâng cao trình độ dân trí và đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị, di sản lịch sử - văn hóa trong bối cảnh mới, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình chia sẻ.
 
Để phát triển du lịch văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình cho rằng, ngành Văn hóa, Du lịch thành phố cần tìm ra điểm nhấn thu hút khách du lịch; tăng cường đầu tư, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân để bảo tồn những di sản tự nhiên, lịch sử, di sản kiến trúc. Huy động sự tham gia rộng rãi của các cấp chính quyền, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư trong việc phát triển du lịch văn hóa, bảo vệ di sản và môi trường tự nhiên.
 
Cùng qua điểm, bà Vũ Kim Anh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị các đơn vị, ngành chức năng cần chú ý các yếu tố nền tảng bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc; tôn trọng các nguyên tắc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.

Theo bà Vũ Kim Anh, các cơ quan chức năng và những người làm trong lĩnh vực văn hóa, du lịch cần suy nghỉ đầy đủ để các di sản được tồn tại; đồng thời có những giải pháp cụ thể để giữ gìn, phát huy các di sản này nhằm phục vụ cho du lịch, hoạt động sinh hoạt truyền thống hay các nghiên cứu về lịch sử văn hóa dân tộc.
 
Tương tự, bà Huỳnh Ngọc Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa tại các bảo tàng thành phố. Trong đó, các ngành, đơn vị liên quan cần chú trọng đến việc phân khúc thị trường du lịch; chia nhỏ các sản phẩm văn hóa để phục vụ từng đối tượng khách du lịch có nhu cầu hưởng thụ văn hóa khác nhau.
 
Bà Huỳnh Ngọc Vân đề xuất các loại hình du lịch văn hóa như: Du lịch vì hòa bình (ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Khu Di tích Địa đạo Củ Chi), du lịch thiện nguyện (làm công tác từ thiện để cảm nhận văn hóa của người Việt), du lịch học tập (đến Thành phố sẽ giao lưu, học tập để hiểu hơn về đời sống văn hóa tinh thần của người Việt)…

Bà Huỳnh Ngọc Vân cho rằng, đã đến lúc, ngành Văn hóa, Du lịch, nhất là các bảo tàng cần phải đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chương trình, phát huy các hoạt động liên kết, phối hợp nhằm giới thiệu đến khách tham quan chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa nhằm thu hút khách du lịch đến với các di sản văn hóa kiến trúc hay di sản văn hóa phi vật thể…
 
Về vấn đề này, ông Trần Văn Phương, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố cho rằng, Thành phố cần hoàn thiện đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển du lịch, trong đó có du lịch văn hóa; đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch theo hướng phát triển bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thành phố. Nhiều đại biểu đề xuất các đơn vị, ngành chức năng cần tăng cường công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tạo thêm nhiều sản phẩm đặc trưng, không trùng lắp; nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng.
 
Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có trên 385 tài nguyên du lịch, trong đó có tới 97,9% được xếp vào tài nguyên du lịch văn hóa. Theo phân loại, Thành phố đang sở hữu đa dạng hơn 200 tài nguyên văn hóa vật thể và hơn 100 tài nguyên nhân tạo, hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng... với nhiều điểm đến hấp dẫn khách du lịch./. 
                Thanh Vũ
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm