UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có quyết định về việc công nhận 8 nghề được công nhận danh hiệu "Nghề truyền thống Vĩnh Phúc".
Cụ thể là các nghề: làm bánh cuốn, bún truyền thống của thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường; làm bánh cuốn, bún truyền thống, thôn Tân An, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường; làm đậu Rùa truyền thống xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường; làm tương truyền thống, thôn Quang Trung, xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch; cá thính truyền thống, thôn Minh Trụ xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch; làm bánh gạo rang truyền thống, thôn Tân Thành, xã Tiên Lữ; làm cháo se, bánh hòn truyền thống, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên; làm tương Khả Do truyền thống, phường Nam Viêm, thành phố Phúc Yên.
Việc được công nhận nghề truyền thống giúp các địa phương lưu giữ sản phẩm, ẩm thực mang đậm nét văn hóa đặc trưng của quê hương; đồng thời, mở ra cơ hội giúp các hộ làm nghề quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.
Bên cạnh việc công nhận, quan tâm phát triển nghề truyền thống, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc cũng quan tâm đến chương trình Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và yêu cầu các cấp, ngành, địa phương xem đây là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có lợi thế; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng nông thôn mới bền vững...
Năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc có 22 sản phẩm được phân hạng và cấp Giấy chứng nhận, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP Vĩnh Phúc. Năm 2021, Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu có thêm 15 - 20 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hình thành điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại, khu du lịch, khu đô thị trên địa bàn.
Nguyễn Trọng Lịch