Công bố Bộ nhận diện thương hiệu du lịch 3 tỉnh thành miền Trung ngày 6/4

Công bố Bộ nhận diện thương hiệu du lịch 3 tỉnh thành miền Trung ngày 6/4
“Tinh hoa Việt Nam”

Từ tháng 2/2014, với sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án EU - ESRT (do Liên minh châu Âu tài trợ), 3 địa phương Quảng Nam-Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế đã ký Bản thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch.

Thành công nổi bật nhất của dự án EU-ESRT chính là đã thông qua được logo, thương hiệu điểm đến cho 3 tỉnh duyên hải miền Trung - The Essence of Vietnam (tinh hoa Việt Nam). 

Thương hiệu hướng tới việc định vị điểm đến như là một phần tinh túy của Việt Nam, nơi du khách có thể khám phá văn hóa, bờ biển và trải nghiệm ẩm thực tốt nhất. Đặc biệt, với ý nghĩa cụ thể được thể hiện qua các thành phần là một trái tim mở với 4 màu chủ đạo gồm màu da cam, xanh da trời, xanh lá cây và màu đỏ biểu tượng cho các dòng sản phẩm chính của khu vực là văn hóa, biển, thiên nhiên và nền ẩm thực của khu vực… đã cơ bản lột tả những tiềm năng và lợi thế điểm đến của vùng.

Tháng 8/2016, tại thành phố Hội An, Ban Quản lý dự án đã tiến hành bàn giao bộ nhận diện thương hiệu cho đại diện lãnh đạo 3 tỉnh. Bên cạnh đó, dự án cũng bàn giao trang web du lịch mới cho 3 tỉnh - đây là sản phẩm đầu tiên áp dụng thương hiệu vừa được xây dựng. Ngoài ra, dự án cũng bàn giao cho các tỉnh tổng cộng 21 tài liệu kỹ thuật theo các nội dung phát triển sản phẩm du lịch của điểm đến, tiếp thị điểm đến, phát triển nguồn nhân lực, du lịch có trách nhiệm cùng các tài liệu tổng hợp khác.

Theo kế hoạch, Lễ công bố Bộ nhận diện thương hiệu du lịch 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam sẽ diễn ra vào ngày 6/4/2017 tại Hà Nội.
 
Đà Nẵng là một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, Ảnh: Internet
Đà Nẵng là một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, Ảnh: Internet

Hơn 10 năm hợp tác phát triển du lịch

Mặc dù Thừa Thiên Huế nằm ở Bắc Trung Bộ, Đà Nẵng và Quảng Nam nằm ở Nam Trung Bộ, song cả 3 địa phương đều là những vùng đất di sản nổi tiếng với 4 di sản văn hóa thế giới (quần thể di tích Cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn), sở hữu nhiều bãi biển đẹp tầm cỡ thế giới và có các khu sinh thái, vườn quốc gia đa dạng về sinh vật cảnh. Ngoài ra, đây cũng là vùng đất có những hoạt động văn hóa đặc sắc rất có sức hấp dẫn với du khách như Festival Huế, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, hành trình di sản Quảng Nam… 

Chính vì sở hữu nhiều điểm chung về thế mạnh như vậy nên việc “bắt tay” phát triển du lịch giữa 3 địa phương không chỉ là nhu cầu tất yếu, mà còn góp phần trở thành “móc xích” quan trọng để thúc đẩy phát triển vùng du lịch trọng điểm của miền Trung. Do đó, ngay từ năm 2006, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Du lịch, công tác liên kết, hợp tác giữa 3 địa phương trong xây dựng sản phẩm liên vùng và xúc tiến quảng bá đã được các ngành, các cấp, địa phương quan tâm thúc đẩy.

Nhiều chương trình quảng bá đã được 3 địa phương phối hợp xây dựng chiến lược cùng xúc tiến: “Đà Nẵng biển gọi”, “Hành trình Di sản”- Quảng Nam, “Lăng cô huyền thoại biển” - Thừa Thiên Huế; “Ba địa phương - một điểm đến”… Nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn nhằm tạo ra cơ sở thúc đẩy du lịch vùng phát triển cũng được xây dựng, điển hình như: “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường cao nguyên xanh”, “Tuyến hành lang Đông-Tây”… Cùng với đó, các chương trình tham gia hội chợ, giới thiệu sản phẩm du lịch cũng được mở rộng trong và ngoài nước. 

Bên cạnh đó, 3 địa phương cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, cung cấp thông tin về tình hình phát triển du lịch, chương trình tour, các điểm đến và sản phẩm du lịch mới để giới thiệu đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch ở các thị trường tiếng hiếm như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan; xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế mới như: Hồng Kông-Đà Nẵng, Busan-Đà Nẵng; thành lập các Tổ công tác phát triển du lịch… cũng được các địa phương phối hợp thực hiện một cách hiệu quả.

Ngoài ra, các địa phương cũng tăng cường phát huy công tác quản lý nhà nước trong phát triển du lịch. Không chỉ tạo ra những sản phẩm du lịch chung chung mà còn có sự phân công trong việc tổ chức các lễ hội lớn như: Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế ở Đà Nẵng, Festival Huế, hành trình di sản ở Quảng Nam. 

Nhờ sự tích cực phối hợp đó, lượng khách đến với 3 địa phương tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế, Phan Tiến Dũng, nếu như trước đây, khách đi lại giữa 3 tỉnh chỉ chiếm khoảng 15%, thì từ khi có sự liên kết, con số này đạt trên 30%. Khách du lịch đến với cả 3 địa phương đều tăng qua các năm. Riêng năm 2016, khách du lịch đến Đà Nẵng đạt 5,51 triệu lượt, trong đó có 1,25 triệu lượt khách quốc tế. Các con số này tương ứng ở Huế là trên 3,25 triệu lượt với trên 1 triệu khách quốc tế; ở Quảng Nam: 4,4 triệu với 2,3 triệu khách quốc tế. Hiện nay, ngoài thị trường nội địa, 3 địa phương này đã xác định được thị trường chung cùng “nhắm” tới, đó là: Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Âu. 

Có thể thấy, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, các hoạt động liên kết quảng bá du lịch giữa Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã phát huy hiệu quả tích cực. Việc xây dựng và công bố bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung giữa 3 tỉnh sẽ giúp cho sự liên kết này ngày càng chuyên nghiệp và đi vào chiều sâu, góp phần phát triển và định vị thương hiệu du lịch khu vực Duyên hải miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung.

Bộ nhận diện thương hiệu là một tập hợp các yếu tố hữu hình của thương hiệu như tên gọi, logo, màu sắc, yếu tố đồ họa, biểu tượng, tài liệu marketing… phối hợp cùng nhau để định dạng và phân biệt thương hiệu này với thương hiệu khác trong tâm trí khách hàng.
TTXVN

Có thể bạn quan tâm