Tiểu thương chọn vú sữa giao cho khách hàng tại Chợ Trái cây Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang). Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN |
Hiếm có nơi nào trồng vú sữa cho năng suất, sản lượng cao và chất lượng trái tốt nổi tiếng như ở các xã nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý của trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Những năm trước, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim thu hoạch vụ sớm, có lúc lên đến 60.000 đồng/quả; một chục (12 quả) có giá đến 600.000 đồng. Nhiều người giàu lên nhờ cây trồng đặc sản này sau những vụ mùa bội thu.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, địa phương hiện có trên 1.100 ha vú sữa; trong đó, có khoảng 500 ha vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đang cho thu hoạch với sản lượng hàng năm đạt khoảng 10.000 tấn quả. Thời gian qua, tỉnh chú trọng công tác quy hoạch vùng chuyên canh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh, xây dựng chỉ dẫn địa lý cũng như nhãn hiệu hàng hóa tập thể,.. Năm 2008, lần đầu tiên trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được cấp chứng nhận sản xuất đạt tiêu chí GlobalGAP.
Qua 10 năm, Tiền Giang đã cùng các ngành chức năng đàm phán với đối tác Hoa Kỳ để tìm cách mở cửa cho trái vú sữa nói chung, trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, Tiền Giang nói riêng đến được với thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng.
Năm 2018, Tiền Giang đón nhận tin vui khởi đầu khi vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim chính thức được cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) cho phép nhập khẩu sang nước này. Lô hàng đầu tiên đã được Công ty TNHH chế biến nông sản Cát Tường (Thành phố Mỹ Tho) xuất sang Hoa Kỳ vào ngày 26/12/2017.
Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chia sẻ, trước đó, để chuẩn bị chu đáo cho trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đi Hoa Kỳ, ngành nông nghiệp kết hợp với doanh nghiệp, cơ quan chức năng xác định vùng trồng đề nghị Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu vùng II xem xét cấp mã số.
Tỉnh cũng đã tổ chức hàng trăm cuộc tập huấn cho trên 3.000 lượt nông dân vùng chuyên canh thuộc các địa phương: huyện Châu Thành, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy về các kỹ thuật canh tác cần thiết, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật bao trái; đặc biệt là không sử dụng 5 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật mà phía Hoa Kỳ cảnh báo mức dư lượng. Ngoài ra, khâu quản lý sâu bệnh trên cây vú sữa được thực hiện theo hướng an toàn, sinh học; các giải pháp canh tác đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Nhiều doanh nghiệp có tiềm lực cũng tích cực tham gia vào tiến trình xuất khẩu vú sữa sang Hoa Kỳ như: Công ty TNHH Đại Lâm Mộc (Tp Hồ Chí Minh), Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (Tp Mỹ Tho), Tổng Công ty Vina T & T Group (Tp Hồ Chí Minh). Các doanh nghiệp đã xác định vùng trồng và định vị tại những xã trọng điểm như: Bàn Long (Châu Thành) với 15 hộ nông dân canh tác 10,7 ha; xã Hữu Đạo (Châu Thành) với 45 hộ nông dân canh tác 10,6 ha; xã Long Hưng (Châu Thành) với 42 hộ nông dân canh tác 11,96 ha và xã Mỹ Long (Cai Lậy) với 31 hộ nông dân canh tác 10,64 ha.
Ông Đặng Hoàng Thọ, nông dân trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành bày tỏ niềm vui khi được tin đặc sản quê nhà được thị trường Hoa Kỳ mở cửa đón vào. Nông dân trồng vú sữa tại địa phương sẽ quan tâm hơn nữa việc ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh, tuân thủ nghiêm ngặt qui định bao trái cũng như kiên quyết không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được khuyến cáo nhằm bảo đảm chất lượng trái vú sữa xuất khẩu.
Tương tự, bà Phạm Thị Hoàng Ky, xã Bàn Long, huyện Châu Thành cho biết, qua tập huấn cũng như từ hệ thống truyền thông, nông dân đã nắm được thông tin và yêu cầu nghiêm ngặt khi xuất vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ; trong đó, nông dân với tư cách nhà sản xuất phải đảm bảo chất lượng đầu vào theo yêu cầu đối tác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim Tiền Giang đang đứng trước thời cơ và vận hội lớn khi được Hoa Kỳ chấp thuận nhập khẩu. Để đảm bảo uy tín, chất lượng của sản phẩm xuất khẩu, tỉnh yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp tục tập huấn, trang bị cho nông dân vùng trồng những kiến thức canh tác phù hợp, tiên tiến; đặc biệt không được sử dụng 5 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật phía Hoa Kỳ cảnh báo trong đó có thuốc trừ bệnh có hoạt chất Carbendazim đã cấm sử dụng tại Hoa Kỳ.
Mặt khác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, đảm bảo thời gian cách ly, ưu tiên các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có thời gian cách ly ngắn, chú trọng có giải pháp sản xuất trái vú sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đồng thời với hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất và bao trái tại 4 vùng đã xác định vùng trồng và định vị.
Sắp tới, để bảo đảm nguồn hàng vú sữa xuất khẩu ổn định, Tiền Giang có kế hoạch hỗ trợ nông dân về kỹ thuật bao trái và dụng cụ bao trái, thuốc trừ sâu và bệnh gốc sinh học, phân bón vi sinh. Trong khuôn khổ kế hoạch trên, tỉnh triển khai Dự án thí điểm khôi phục cây vú sữa bao gồm các giải pháp: đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và tổ chức sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị; khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ kỹ thuật thâm canh theo hướng GAP và chứng nhận GlobalGAP đối với vùng trồng.
Tiền Giang đang nỗ lực để nắm bắt cơ hội vàng nhằm phát huy hơn nữa vị thế cây trồng chủ lực, tăng thêm nguồn hàng xuất khẩu, thu hút ngoại tệ, giảm nghèo nông thôn cũng như thúc đẩy đổi mới nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Minh Trí